SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?






Về việc cấm tạc tượng, chạm hình cũng thế, vì sống giữa một môi trường ngoại giáo, lại thêm sự cứng cỏi tâm hồn của dân Do Thái, nên Dân ấy luôn sống trong tình trạng nguy hiểm, có thể sa ngã bất cứ lúc nào để chiều theo chước cám dỗ thờ lạy ngẫu tượng. Cho nên Chúa đã cấm họ tạc tượng Người. Thế những trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã mạc khải cho ta hình ảnh hoàn hảo của vinh quang vô hình Người, vì thế ta có thể và phải tôn thờ Người như Thiên Chúa thật...

(Trích bài viết của B.Haering)

+ VẤN:

Thánh kinh đã nói rõ ràng: “Chớ chạm trổ bất cứ hình tượng nào tượng trưng các sự vật trên trời hay dưới đất hoặc trong nước. Chớ thờ phượng, kính bái các vật đó … ” Như thế:

1)Chúa Giêsu Kitô có phế bỏ luật cấm tạc tượng hoặc chạm trổ hình ảnh ấy không?

2)Có đoạn nào trong Tân ước nói minh bạch về sự phế bỏ ấy không?

+ ĐÁP:

Phải chăng Thập giới luôn luôn có giá trị? Có phải Giáo hội đã loại bỏ một trong số những giới mệnh của Thập giới khi trình bày nó cho chúng ta dưới hình thức mà nay ta quen dùng để xét mình không?

Đây là những vấn nạn rất đáng lưu tâm, vì chúng phát hiện một nguy cơ trầm trọng đang hiện diện giữa các Kitô hữu, đó là: trong việc hình thành lương tâm của họ, các Kitô hữu ấy vẫn còn ở trong não trạng của Cựu ước chứ chưa có được tâm thức của Tân ước.

Thật thế, Kitô hữu phải huấn luyện lương tâm mình dưới ánh sáng của luật mới do Chúa Giêsu công bố và được ghi lại trong bài giảng trên núi (Mt 5tt), cũng như trong diễn từ tạm biệt của Chúa Kitô (Ga 14tt). Công đồng Vaticanô II cố ý nhắc lại rõ ràng cho luơng tâm của mọi Kitô hữu rằng những lời sau đây của Chúa: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48) và “Này là lệnh truyền của Thầy: các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12) là một giới mệnh đối với tất cả các môn đồ của Chúa. Giới mệnh ấy vẽ ra cho chúng ta hướng tiến bất biến trong công cuộc hoàn thiện chính mình.

LUẬT CŨ VÀ LUẬT MỚI

Nếu chỉ chuyên chăm lo vào mười giới luật trong Cựu ước thì điều đó chứng tỏ rằng ta chưa gắn chặt hồn mình vào Tin Mừng của Phúc Âm và chưa biết đến – hoặc cố ý coi thường – luật giải thoát của ân sủng. Mười giới luật đã được ban bố trên núi Sinai giữa sấm chớp vang trời, cho một đám dân lòng chai dạ đá. Còn luật mới lại là một sứ điệp hân hoan được ban truyền trên núi Bát phúc và trong khung cảnh bữa tiệc ly cuối cùng, trong đó tầm mắt Chúa Kitô đang hướng về Thập giá và sự Phục sinh. Nếu ta không quên những biểu lộ Tình yêu ấy của Chúa Kitô, ta sẽ không thể không cảm thấy bị thúc đẩy đặt trọn cuộc sống mình dưới lề luật của đức tin và lòng tri ân: “Tôi sẽ dâng gì cho Chúa để đền đáp mọi ơn Người đã ban tặng cho tôi?” (Tv 115,3).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là luật mới cho phép ta đáp trả cách kém quảng đại hơn so với các giới luật của Thập giới. Trái lại, Kitô hữu còn được mời gọi quảng đại nhiều hơn thế nữa; và chính trong niềm vui mà họ thực thi điều đó, một khi tâm hồn họ được tràn đầy niềm tin vào Tin Mừng của Phúc Âm.

Tân ước đã hủy bỏ 2 trong số các giới luật của Thập giới, hay nói đúng hơn, đã hoàn hảo hóa chúng cách tuyệt diệu: Trước tiên, Kitô hữu không giữ ngày Sabát – tức ngày thứ bảy - như chỉ là một ngày để nghỉ ngơi mà thôi; nhưng, thay vào đó, họ mừng ngày đầu tiên trong tuần, Ngày Chúa nhật - Ngày của Chúa; và chắc chắn là không phải chỉ để nghỉ ngơi công việc mà còn để chuyên chăm vào một hoạt động cao quý nhất, đó là việc tôn thờ Thiên Chúa trong các mầu nhiệm thánh của Người. Ngay từ xa xưa, các Công đồng đã dạy rõ ràng là Kitô hữu không buộc phải giữ luật ngày Sabát, và không được coi ngày Chúa nhật như chỉ đơn thuần là để thay thế ngày Sabát, nhưng phải nhìn thấy trong đó còn có một điều gì vượt hẳn ngày Sabát nữa.

LÝ DO CỦA VIỆC CẤM TẠC TƯỢNG

Về việc cấm tạc tượng, chạm hình cũng thế, vì sống giữa một môi trường ngoại giáo, lại thêm sự cứng cỏi tâm hồn của dân Do thái, nên dân ấy luôn sống trong tình trạng nguy hiểm, có thể sa ngã bất cứ lúc nào để chiều theo chước cám dỗ thờ lạy bụt thần, ảnh tượng. Cho nên Chúa đã cấm họ tạc hình tượng Người. Thế nhưng, trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mạc khải cho ta hình ảnh hoàn hảo của vinh quang vô hình Người, vì thế, ta có thể và phải tôn thờ Người như Thiên Chúa thật. Công đồng Nicê đã lên án những người chủ trương bài ảnh tượng và đã dạy rằng: “Chúng ta phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô như là hình ảnh toàn hảo của Thiên Chúa trong nhân tính của Người”. Cũng vậy, ngày nay, ta có thể coi các thánh như là một loại sứ điệp hữu hình của Thiên Chúa, và như thế, xem ảnh tượng của các ngài như là một loại “văn tế dễ hiểu” đối với mọi người. Công đồng Constantinopli thứ IV và Công đồng Trentô đã liên tiếp tái xác nhận là Giáo hội có quyền vẽ tranh ảnh và dùng chúng để thờ lạy Thiên Chúa cùng tôn kính các thánh.

Cũng như việc cử hành thánh lễ ngày Chúa nhật trong Kitô giáo vừa hoàn hảo hóa vừa vượt xa giới luật ngày Sabát, việc tôn kính ảnh tượng cũng thế: Kitô hữu không hề nghĩ đến việc thờ lạy chính các ảnh tượng; vì thế, việc hình dung Thiên Chúa và các thánh bằng ảnh tượng không còn bị cấm nữa.

Vậy, trước những vấn đề này, Thánh Kinh đã chứa sẵn tất cả những giáo huấn cần thiết mà từ đó, Giáo hội luôn trung thành với truyền thống sống động của mình, rút ra những hệ luận mong muốn.

Đức tin Công Giáo


Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?