SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG


Ngày nay chúng ta hiểu rằng thế giới không được dựng nên chỉ trong sáu ngày, cũng chẳng phải là trong sáu thời kỳ. Tác giả đã chọn lối trình bày theo thời gian ấy vì muốn lồng vào đó sự phân biệt giữa các ngày làm việc và ngày nghỉ ngơi, tức là ngày Sa-bát....
Đối với tác giả Sách Thánh, và đối với đức tin, điều cốt yếu là thế giới đã được Thiên Chúa dựng nên và Người khác biệt rõ rệt với các tạo vật cũng như một tác phẩm khác với người tạo ra nó...
Về vấn đề ánh sáng, tác giả Sách Thánh cũng không hề nói gì về bản tính của nó, nhưng chỉ dạy cho ta rằng đó cũng là một quà tặng của Thiên Chúa....

(Trích bài viết của A.Penna)

+ VẤN:

Thành ngữ Thánh Kinh: “Trước tiên Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng” trong trình thuật về cuộc sáng tạo có nghĩa gì? Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng nào? Phải chăng trong vũ trụ đã không có những nguồn sáng khác, ngoài những ngôi sao, vốn được dựng nên sau đó, theo như Thánh Kinh ghi chú?

+ ĐÁP:

Trước tiên ta phải nhớ một nguyên tắc mà các nhà chú giải ngay từ thời thượng cổ - chỉ cần đọc thánh Augustinô ta sẽ thấy - đã đưa ra như sau: Mục đích của các tác giả Sách Thánh là trình bày những chân lý đức tin chứ không phải để dạy về thiên văn học hay nguyên tử học, vật lý học hoặc bất cứ một thứ khoa học thế tục nào khác. Đồng thời cũng phải gạt ra ngoài những lý thuyết hời hợt nhất thời chủ trương một thứ vầng sáng ở phía bắc hay những hiện tượng tương tự. Tác giả Sách Thánh có ý nói đến một thứ ánh sáng đích thực; hầu chắc là tác giả muốn đặt yếu tố ấy làm điểm khai mào cho công trình sáng tạo vì cho rằng bất cứ ai, nếu muốn hoàn thành một công việc gì, thì trước tiên điều cần có ánh sáng để giúp phân biệt những sự vật xung quanh mình.

Như bất cứ một người biết suy nghĩ nào, chắc chắn tác giả sách Sáng thế cũng biết rằng ánh sáng đến với chúng ta từ mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, trong khi đó cũng không hề bận tâm đến việc tìm xem các vì tinh tú ấy chiếu sáng trực tiếp hay chỉ phản chiếu lại ánh sáng đến từ một nguồn sáng khác mà thôi. Nhưng vì có đôi lúc người ta thấy ánh sáng mà lại không thấy có sự hiện diện của tinh tú, nên họ có thể coi ánh sáng và mặt trời như hai thực tại khác nhau. Các người Do thái, với quan niệm khá ngây thơ của họ (nếu ta muốn nói như thế), đã tưởng tượng ra một loạt những bể chứa nước, tuyết, mưa đá và cả ánh sáng nữa ở phía trên bầu trời. Chỉ cần đọc chương thứ 38 trong sách Gióp, ta sẽ thấy ám chỉ đến những “kho chứa” này. Nhất là những câu như: “Ánh sáng ở chỗ nào và tối tăm ngụ tại đâu để ngươi có thể dẫn chúng về sào huyệt và dắt chúng đến tận nơi cư trú của chúng?” (câu 19 và 20).Ở nơi khác, thí dụ trong sách Giáo sĩ, người ta liệt kê những nguồn sáng như sau: “Mặt trời và ánh sáng, mặt trăng và các ngôi sao”.

Vậy tác giả không hề có chút bận tâm nào về bản chất của ánh sáng cũng như về các thiên thể phát quang khác. Ngoài mô tả thế giới theo như quan niệm của các người đồng thời với ngài; khó mà giải thích tại sao ngài chọn thứ tự ấy khi kể lại những giai đoạn khác nhau của cuộc sáng tạo. Có điều rõ ràng là chính trật tự  ấy không phải là một dữ kiện mặc khải: Thật vậy, các đoạn khác trong Thánh Kinh, thí dụ như Thánh vịnh 104, lại theo một lối xếp đặt khác. Ngày nay, chúng ta hiểu rằng thế giới không được dựng nên chỉ trong sáu ngày, cũng chẳng phải là trong sáu thời kỳ. Tác giả đã chọn lối trình bày theo thời gian ấy vì muốn lồng vào đó sự phân biệt giữa các ngày làm việc và ngày nghỉ ngơi, tức ngày Sabát. Không cần phải khẳng định rằng mọi vật đều được Thiên Chúa trực tiếp dựng nên. Chuyện cắt nghĩa nguồn gốc của các cá nhân đang hay sẽ hiện hữu kế tiếp nhau như thế nào là việc của các nhà thông thái. Đối với tác giả Sách Thánh, và đối với đức tin, điều cốt yếu là thế giới đã được Thiên Chúa dựng nên và Người khác biệt rõ rệt với các tạo vật cũng như một tác phẩm khác với người tạo ra nó. Từ đó phát sinh những tương quan giữa tạo vật với Đấng tạo hóa duy nhất, toàn năng, hành động không cần trung gian, nhưng chỉ do hoạt động duy nhất của ý chí Người. Và chắc hẳn đó là một phần trong giáo huấn về việc thánh hóa một ngày trong tuần.

Về vấn đề ánh sáng, tác giả cũng không hề nói về những gì bản tính của nó, nhưng chỉ dạy cho ta rằng đó cũng là một quà tặng của Thiên Chúa. Khi phân biệt ánh sáng với các vì tinh tú, có thể là tác giả Sách Thánh đã có một quan niệm về vũ trụ không được đúng, tuy nhiên sự phân biệt ấy không phải là không có một tầm quan trọng về mặt tôn giáo. Trái lại, với ngẫu tượng giáo, nhất là nơi những người Babylon, vốn coi thiên thể như những thần linh. Thánh Kinh khẳng quyết rằng chúng chỉ là những thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên, luôn ngoan ngoãn nghe theo lệnh Người.

Nhưng ta cũng không biện minh cho việc phân biệt giữa ánh sáng và các tinh tú bằng những lý thuyết khoa học, dù chắc chắn là rất hay rất đẹp, nhưng cũng chỉ là những giả thiết, và bởi đó, có thể thay đổi trong tương lai. Tác giả Sách Thánh không hề muốn tiên đoán bất cứ một khám phá nào của khoa vật lý hiện đại.

Tác giả nói với ta rằng chính Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới: Đó là một chân lý không mâu thuẫn với bất cứ một lý thuyết nào về bản tính của ánh sáng hay về các hiện tượng khác, vì nó siêu vượt trên chúng. Nên, có nhiều nhà thông thái, cũng như bao nhiêu người khác, đã tin vào điều tác giả Sách Thánh nói, nhưng đồng thời cũng không ngừng say sưa tìm tòi những định luật của thiên nhiên.

                                                                                                                    Đức tin Công Giáo


Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?