SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?


 

+ VẤN: 

Sách Sáng thế còn để lại cho chúng ta một bảng danh sách các tổ phụ thời tiền lụt đại hồng thủy, trong đó có nói đến số tuổi của các ngài: Ađam, 930; Sêt, 912; Hê-nốc, 905 v,v… Phải hiểu những con số này như thế nào ?

Trích bài viết của A.Penna

+ ĐÁP: 

Khi đọc những chương này, độc giả, vốn quen với những lập luận rõ ràng, chính xác, có thể cho rằng đây chỉ là một loạt những phép lạ sẽ không bao giờ tái diễn nữa, dù y học ngày nay đã có những tiến bộ phi thường, hoặc coi đó chỉ là một câu chuyện hoang đường…

Thực ra, cả hai thái độ trên đều không thể chấp nhận. Dầu vậy, có lẽ chúng cũng còn mạch lạc hơn nhiều cố gắng tưởng tượng khác nhằm mang lại một lối giải thích hợp lý cho thuật trình trên. Hiện nay vẫn còn có người chủ trương rằng các con số ấy không chỉ năm mà là chỉ tháng. Tạm để qua một bên ý nghĩa thông thường của các tiếng, nếu ta áp dụng lối hiểu trên cách đúng đắn thì kết quả sẽ là: Ma-la-le-en có con vào lúc hơn 5 tuổi một tí, và Cai-nan thì vào khoảng 6 tuổi đã làm cha (Malaleen: 63 tháng; Cai nan: 70 tháng). 

Giả thuyết cho rằng các danh tánh ấy là tên gọi những nhóm dân hơn là những cá nhân riêng rẽ có vẻ thỏa đáng hơn. Tuy nhiên, dầu có vài nét tương tự nào đó với các bảng gia phả ở chương 10 (bảng gia phả các dân tộc), giả thuyết ấy vẫn chỉ là một giả thuyết không hơn không kém vì chưa có gì minh chứng. Bởi vì, dầu không phải là một điều bất khả nhưng đó vẫn là một lối viết sử rất lạ đời. Thí dụ như: Để phân biệt các dân tộc gốc Hi-lạp La tinh với các nhóm dân Anglo - SacXông, ta nói rằng vào năm này Rôma sinh ra Ý,  Pháp, Tây Ban Nha…, vào năm nọ Tây ban Nha hạ sinh Á - Căn - Đình, Phi –Luật – Tân. . . Rồi lại quy tụ tất cả các xứ thuộc địa vào trong một bảng ngụy gia phả … và như thế, mỗi xứ cho mình thuộc gốc La tinh, Anglô –SắcXông, hay  Xơ- la- vơ…

Giả thuyết này chẳng qua cũng chỉ là một cách tránh né khó khăn; thực ra, như thường gặp thấy trong Thánh Kinh, ở đây cũng thế, dường như bản văn sách thánh muốn nói đến một thứ tương quan huyết nhục thật sự giữa cha con chứ  không phải chỉ là sự tương liên giữa các dân tộc đồng ngôn ngữ hay cùng huyết thống, nhất là lại càng không nhắm nói đến mối tương quan giữa vài cá nhân trong một vương tộc kéo dài quá nhiều thế kỷ.

Còn với ý niệm phép lạ thì dĩ nhiên ta có thể chấp nhận tất cả; nhưng, cũng nên nhớ rằng: Thánh Kinh không hề nghĩ sự trường thọ của các tổ phụ là một phép lạ. Mặt khác không gì có thể cho phép ta giả thiết rằng đời sống của các con người đầu tiên, do tự bản tính, kéo dài rất lâu. Khoa học có thể xác định mức tuổi trung bình của những người sống trong một thời đại quá xa xưa như thế; nhưng, chắc chắn nó cũng không thể chấp nhận giả thuyết trên, vì khoa khảo cổ học cũng như cổ sinh vật học chưa hề gặp thấy những di vật hay những vật hóa thạch mang đặc tính của một sự trường thọ qua nhiều thế kỷ như thế.

Vậy thì phải chăng đây chỉ là một câu chuyện hoang đường? Không có gì phản khoa học cho bằng quan niệm muốn rằng một bản văn hoặc phải là một tài liệu lịch sử chính xác trăm phần trăm hoặc chỉ là một câu chuyện hoang đường không đáng tin.

Trước tiên, sự so sánh giữa các tài liệu khác nhau (giữa nguyên bản Do thái và các bản dịch cổ có một sự sai biệt rõ rệt về các con số), cũng như việc khảo sát chính nội dung của chúng cho thấy các con số đặc biệt ấy thường có tính cách giả tạo, quy ước, hoặc không chắc chắn.

Tác giả Sách Thánh, vốn không phải là một nhà biên niên sử cũng chẳng phải là người chuyên sưu tập những ngày tháng chính xác cùng những biến cố thế gian, nên đã tránh hai thái cực trên. Ông chỉ có hai mối bận tâm chính: Trước tiên là gợi lên ý niệm về cái quá khứ rất cổ xưa của thế giới, mặc dù truyền thuyết chỉ nói đến một số rất giới hạn các nhân vật; kế đến là chứng minh rằng sự xuống dốc dần dần về mặt luân lý đưa đến hậu quả song hành là đời sống bị thâu ngắn lại. Hãy đọc lời đe dọa trong St 6,3; ta có thể đối chiếu câu ấy với lời tiên tri Isaia trong Is 65,20; để phác họa hình ảnh thời toàn phúc của Đấng Thiên Sai, tiên tri nói đến một xã hội có tuổi thọ ngoài trăm năm.

Tóm lại, ta có thể nói: Những con số ở đây không có giá trị toán học chặt chẽ; tác giả, có thể đã chép lại một tài liệu có trước, chỉ muốn tô đậm ý tưởng về cái quá khứ cổ xưa của thế giới (và quả thật, ông ta đã thành công, dù có đi hơi quá xa so với con số tối thiểu được các nhà khoa học hiện nay công nhận). Hơn nữa, với chủ đích giáo dục, xây dựng, ông còn muốn nhấn mạnh đến mối tương quan mật thiết giữa một đời sống đạo đức và sự trường thọ.

Vậy, lầm lỗi không do nơi tác giả, nhưng do các độc giả hay các nhà chú giải nào muốn biến bài tường thuật đơn giản và bình dân cùng chứa đầy ý nghĩa tôn giáo này thành một bảng biên niên sử chính xác, chặt chẽ.

Đức tin Công Giáo

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?