SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

 


+ VẤN: 

Kinh Thánh dạy rằng Ađam và Evà đã ăn trái cây Chúa cấm, đó là trái cây biết lành và dữ. Tôi không hiểu tại sao lại không chấp nhận sự kiện y như sách thánh đã mô tả. Có phải chỉ vì sợ bị chê là ngây thơ ấu trĩ không? Khi đưa ra những lời giải thích quỷ quyệt, nhiêu khê mà chỉ một số ít người học thức uyên thâm mới có thể hiểu, sao ta không nghĩ là làm như thế dễ gây thương tổn đến uy quyền của sách thánh, giản lược sách thánh lại chỉ còn là một tập sách thu lượm những mẫu chuyện thần thoại?.... Nếu hoài nghi về trái cấm, sao ta lại phải chấp nhận những chi tiết khác trong Thánh Kinh, thí dụ chuyện lụt đại hồng thủy, tháp Baben, tiên tri Giôna và bao nhiêu sự kiện khác nữa, y như điều sách thánh đã ghi lại? Và quả thật, theo ý tôi (cũng như ý của nhiều người khác nữa), ta phải chấp nhận những sự kiện ấy y như Thánh Kinh đã kể lại chứ không được giản lược chúng vào những điều tinh vi hoặc chối phăng là không có, chỉ vì muốn được xưng tụng là những học giả, những người tân tiến hợp thời. Làm thế thì còn gì là đức khiêm nhường, là sự đơn sơ trong suốt của đức tin? Và làm thế là phá đổ tất cả.

Trở lại với vấn đề tội nguyên tổ, tôi xin được kết luận bằng cách khẳng định rằng: Nếu thật sự trái cây ấy rất có thể không phải là một trái táo, thì điều hiển nhiên không thể chối cãi vẫn là nguyên tổ chúng ta đã ăn một trái mà họ bị cấm không được phép ăn: Trái dưa hay trái gì khác, không quan trọng. Điều đáng lưu tâm là ý hướng muốn trở nên giống Thiên Chúa. Và tôi nghĩ: Phải loại bỏ giả thuyết cho đó là một tội dâm dục, vì Thánh Kinh nói rằng Ađam và Evà đã thành chồng vợ trước khi phạm tội bất tuân ấy. 

(Trích bài viết của A.Penna)

+ ĐÁP: 

Trong vấn nạn nêu trên, có nhiều vấn đề được đề cập đến … nếu chỉ xét đến điểm chính yếu của vấn nạn, ta thấy có hai khẳng định sau: "Tôi không biết tại sao ta lại không được phép hiểu sự kiện y như sách thánh mô tả" (tức tội nguyên tổ chính là tội Ađam ăn một trái cây bị cấm, chỉ có thế thôi), và "Điều quan trọng là chính cái ý hướng muốn trở nên giống như Thiên Chúa."

Thiết tưởng không có ai phản đối khẳng định thứ hai. Nhưng, nói thế, ta không thể tránh khỏi nghi vấn đi kèm theo sau là: "Có thật tình trạng ngang bằng với Thiên Chúa lại là kết quả của việc chỉ ăn một trái cây không?" Chắc chắn là không. Thánh Kinh cho biết rằng đó chỉ là do sự dối trá của một hữu thể xảo quyệt: con rắn. Tuy nhiên, sự bất tuân rõ rệt cùng với ý hướng xấu xa có thể đánh tan vẻ bất cân xứng bề ngoài giữa hành vi tội lỗi và hình phạt. Về phần trái cấm, tín hữu có thể chấp nhận hoàn toàn những gì mà sách Sáng thế (St 3,1 và tiếp theo) nói  "y như được mô tả trong đó ".

Nhưng, vấn đề nằm ở một điểm khác, đó là: Giáo hội có buộc người Công giáo phải hiểu tất cả bài tường thuật này sát theo từng chữ không?

Quan niệm của Giáo hội Công giáo về tội nguyên tổ đã được định tín công khai ngày 1-6-1546 do một sắc lệnh long trọng của Công đồng Trentô. Thực ra, đó chỉ là việc công thức hóa một nhãn quan đã được xác định rồi, một giáo huấn rất cổ xưa. Phần chính yếu của bản văn gồm có 3 trang, và trong suốt 3 trang này, tội Ađam được trình bày chỉ bằng một mệnh đề phụ đơn giản sau đây: "Ađam, vì đã vi phạm giới luật của Thiên Chúa nơi vườn địa đàng". Chỉ có thế, không nói gì về Evà, về con rắn, về trái cây …

Công đồng Vaticanô II thì không đề cập đến chủ đề này; tuy nhiên, khi nói về tội cách chung trong hiến chế mục vụ "Nỗi Vui Mừng và Niềm Hy vọng", Công đồng có ám chỉ đến sự sa ngã của con người đầu tiên như sau: "Được Thiên Chúa thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên, ngay từ đầu lịch sử, con người, bị thần dữ lôi cuốn, đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa" (số 13,1). Theo đó, ta thấy có một mưu đồ muốn được hoàn toàn tự trị, để ấn định điều lành điều dữ trong phạm vi luân lý mà không cần biết đến Thiên Chúa. 

Thế thì Giáo Hội đã giải thích bài tường thuật của sách Sáng thế như thế nào? Nếu hiểu chữ "giải thích" theo nghĩa chính xác, ta thấy huấn quyền Giáo hội không bao giờ làm điều ấy. Giáo hội để cho các nhà chuyên môn về Thánh Kinh lo chuyện đó. Dầu vậy, huấn quyền cũng thường đưa ra những chỉ dẫn về các mẹo mực tổng quát. Rất tiếc là con số những mẹo mực ấy khá nhiều nên ta không thể liệt kê đầy đủ ở đây. Chúng có trong các tài liệu công đồng, cả đến những tài liệu của công đồng Vaticanô II. Ta cũng có thể gặp chúng trong nhiều thông điệp như: Providentissimus Deus của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, Spiritus Paraclitus của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV, Divino afflante spiritu và Humani Generis của Đức Giáo hoàng Piô X. Đặc biệt ta còn có thể tìm thấy chúng trong hai tài liệu chính thức khác dù kém long trọng hơn, đó là trong câu trả lời trong ngày 30-6-1909 của Ủy vụ Giáo hoàng về Thánh Kinh và trong một bức thư ngày 16-1-1948 cũng của Ủy vụ này gởi Đức Hồng y tại Paris.

Sau đây tôi chỉ xin trích một phần của tài liệu thứ nhất. Có lẽ đây là tài liệu thích hợp nhất đối với những vấn đề được nêu lên trong vấn nạn trên.

Trước tiên, tài liệu ấy khẳng định rằng người Công giáo không thể hoài nghi về ”ý nghĩa đen và lịch sử” của ”giới luật Thiên Chúa đặt ra cho con người để thử sự vâng lời của họ”, cũng như của "việc con người đã vi phạm giới luật thần linh do sự xúi dục của ma quỉ đội lốt con rắn”. Nhưng, liền sau đó, tài liệu ấy cũng nói là không cần thiết phải áp dụng lối hiểu ấy vào từng chữ, từng câu của bản văn, nhất là khi ngôn ngữ được dùng lại hiển nhiên là một thứ ngôn ngữ không xác đáng, có tính cách ẩn dụ và dựa trên quan niệm thiên nhân đồng hình. Nếu ta không lưu tâm đến nguyên tắc thứ hai này, ta sẽ đi đến chỗ lố bịch. Thí dụ, từ cảnh Ađam bị lương tâm cắn rứt, xấu hổ và tìm cách ẩn mình – vốn là một cảnh mang đầy ý nghĩa luân lý và tâm lý – ta có thể đi đến kết luận là có một vài sự vật có thể trốn được khỏi cái nhìn của Thiên Chúa. . . (Vị Thiên Chúa này hành động y như một con người thuần tuý, Người gọi tên Ađam vì khi đi dạo trong vườn địa đàng Người không gặp ông ta như mọi khi).

Ngày nay, không còn ai nghi ngờ về sự đồng hóa giữa ma quỷ và con rắn, vì Tân ước đã mạc khải cho ta điều đó. Chính sách Khôn ngoan, được viết sau sách Sáng thế nhiều thế kỷ, cũng đã từng đề cập đến điều ấy. Nhưng, phải nhận là trong chính thuật trình của sách Sáng thế điều đó không bao giờ được nói rõ ra. Cho nên, nếu chỉ hoàn toàn theo sát mặt chữ, độc giả sẽ bắt buộc phải đi đến kết luận sau: ”Đó là một con rắn thật đã thuyết cho bà Evà một bài thật dài, và sau khi tội lỗi xảy ra đã bị phạt phải trườn bằng bụng (thế thì trước đó nó đi bằng cách nào?) cùng phải ăn bùn đất (điều này không hề thấy nơi loài rắn)”.

Có nên áp dụng lối hiểu tượng trưng này lên cả chi tiết về cây biết lành và dữ cùng cây sự sống không? Thuở xưa, có người đã hiểu như thế, ít nhất là đối với cây biết lành và dữ; và cũng chính những người ấy đã quan niệm cách sai lầm rằng nguyên tội chính là tội dâm dục. Hiện nay, phần lớn các nhà chú giải Thánh Kinh chấp nhận lối hiểu theo ý nghĩa tượng trưng này. Làm thế không phải chỉ vì a dua theo cái mới lạ, mà vì những nguyên do gắn liền với chính thuật trình Thánh Kinh ấy. Thật vậy, bởi đó là một bản văn "được soạn thảo cách đơn sơ, bằng một thứ ngôn ngữ hình ảnh, thích hợp với tâm thức của dân chúng" như thông điệp Humani generis đã nói. 

Ngay từ năm 1897, Cha Lagrange cũng đã viết: "Cái cây đã được dùng để tượng trưng cho sự biết lành dữ chứ không phải là chính sự hiểu biết ấy, vì rõ ràng là tội của người đầu tiên không phải là tội tham ăn. Việc nhìn thấy trái cây không đóng vai trò gì trong những yếu tố cấu tạo nên tội phạm trước khi ăn trái cây ấy. Theo thánh Tôma, đó là tội kiêu ngạo. Cây hiểu biết có thể có thật, hoặc cũng có thể chỉ là một biểu tượng; điều đó tùy vào đặc tính chung của thuật trình”. 

Tóm lại, các nhà chú giải có một trách vụ thật khó khăn. Họ có thể lầm lẫn như bao người. Để tránh hoặc để giảm thiểu tới mức tối đa những sai lầm ấy, họ phải cẩn trọng rất mực. Đức tính ấy cũng khiến họ phải lưu tâm đến những ảnh hưởng do các quan niệm của họ tạo ra nơi quần chúng. Khi một nhà chú giải đã ý thức được trách nhiệm nặng nề ấy, có lẽ không cần phải đề nghị ông đọc và suy gẫm lại chương 14 trong thư gửi giáo đoàn Rôma. Ông đã quá biết đoạn văn ấy và đã quá rõ ràng đức bác ái không muốn gây cớ vấp phạm cho những người còn non yếu làm sao, cũng như siêu vượt mọi thứ kiến thức phàm trần thế nào. Nhưng, nếu phải tôn trọng chân lý thì cũng phải tránh gây cớ vấp phạm cho những người vững mạnh, tức tránh áp đặt một lối chú giải đặc biệt đối với một thuật trình vốn rất đơn sơ và sử dụng những lối nói thiên nhân đồng hình cùng những yếu tố tượng trưng mà ta có thể vạch mặt chỉ tên sau khi khảo sát kỹ lưỡng bản văn. 

Đức tin Công Giáo

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?