SỐ 1. Ý NGHĨA THẬT CỦA SÁCH SÁNG THẾ


            Thưa bạn đọc, để đáp ứng nhu cầu học hỏi Thánh Kinh và các Tín điều, Đức tin Công Giáo sẽ liên tục đăng các bài là những câu trả lời của các nhà thần học nổi tiếng về những vấn nạn liên quan đến Thánh Kinh cũng như các lãnh vực khác trong Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù đây là những câu trả lời của các thần học gia nổi tiếng nhưng cũng có thể chưa làm thỏa mãn được hết mọi người. Do đó, Đức tin Công Giáo thiết nghĩ đây chỉ là những gợi ý để giúp các bạn tiến xa hơn nữa trong việc đọc hiểu và suy tư Thánh Kinh.








(Trích bài viết của B.Haering)

+ VẤN:

Có những sai lầm trong sách Sáng thế, ít nữa là vô tình. Thí dụ, người ta đọc thấy chép rằng: Tạo hóa đã dựng nên Ađam, sau đó là Evà bằng một xương sườn của Ađam; và rồi hai ông bà sinh con: Ca-in, Aben, Giaphết. Như ta biết, Cain giết Aben … Kế đó, cuộc sống của họ lại tiếp tục với bốn người. Rồi một ngày nọ, Cain có ý tưởng muốn lấy vợ, và thế là chàng ta đi sang một “xứ láng giềng”, ở đấy chàng cưới vợ cùng lập nên một thành phố, đó là thành Hênốc. Đến lượt Giaphết, ông cũng theo gương anh, đi sang “xứ làng giềng” ấy – hoặc một xứ khác – và cưới vợ. Thế thì làm sao cắt nghĩa được sự kiện là lúc đó cũng đã có nhiều người khác trên trái đất rồi? Câu chuyện rắc rối trên trong sách Sáng thế có ý nghĩa gì không?

+ ĐÁP:

Đây hẳn là một câu hỏi đáng quan tâm. Nó cho thấy có thể có những người đã vượt qua được một cơn khủng hoảng nặng nề về đức tin nhưng vẫn chưa quên được những thắc mắc và hóa giải được dễ dàng những vấn đề về tôn giáo. Dầu cho các câu hỏi ấy mới thoáng nghe có thể nhuốm màu sắc chế giễu, nhạo báng, nhưng tôi có cảm tưởng tác giả của chúng là những người tự thâm tâm vẫn ao ước chân thành sao cho có thể tin. Ta có thể trách họ vì đã không biết thẹn khi nói toạc ra sự dốt nát của mình về những vấn đề ấy không? Phải chăng chúng ta không có một phần trách nhiệm trong việc nhiều người không am tường những giải thích của thần học đối với các vấn đề đó? Kẻ có lỗi lại không phải là chính các Linh mục và giáo dân có học, vì không chịu quan tâm tìm hiểu các vấn đề ấy, nên khi bị hỏi tới; chỉ biết đưa ra cách tắc trách những lời giải đáp mà một con người biết suy nghĩ và biết quý trọng lý trí ở thế kỷ thứ XXI này không thể nào chấp nhận được sao?

THẤU HIỂU THÁNH KINH

Vào thế kỷ thứ IV, khi thánh Augustinô rời Tagaste để đi Milan, lúc đọc Cựu Ước, ngài cũng chạm trán những khó khăn gần giống với những điều mà ta vừa thấy nêu lên trên đây. Dù là một giáo sư nổi tiếng về khoa hùng biện, nhưng kiến thức về Thánh kinh của ngài lại rất nghèo nàn, ngài chỉ có những ý niệm hời hợt đến từ những quan niệm của các đối thủ của Giáo hội và do việc đọc những bản văn Thánh kinh cách rời rạc, thoáng qua mang lại. Nhưng khi đến Milan, sau khi đã được nghe thánh Ambrôsiô giải thích – một lối giải thích ở thời đó được mệnh danh là “ngụ ngôn”- mọi thắc mắc, khó khăn của ngài đều tan biến. Lúc đó ngài mới hiểu rằng “sự thấu hiểu ý hướng của tác giả các sách thánh là chìa khóa giúp ngài giải đáp được mọi nghi vấn đã từng làm ngài rối trí”. Hơn nữa, vốn là người có óc phán đoán đúng đắn và khiêm tốn, nên ngài cũng hiểu rằng có một số vấn đề liên quan đến ý nghĩa đích thực của một vài đoạn Kinh thánh nào đó vẫn còn nằm trong vòng tranh luận tự do.

 

THÁNH AUGUSTINÔ TRƯỚC ĐÓ VÀ SAU ĐÓ

Khi trở lại Phi Châu, vị giám mục nhiệt thành có một đức tin trẻ thơ, đồng thời cũng là người biết lý luận sâu xa và xác đáng ấy, đã viết một tác phẩm chú giải sách Sáng thế trong đó có nhiều điểm thật hoàn toàn hợp với ngày nay . . . Ngài lấy lại những lối giải thích đã từng được các trường phái thần học Alexandria ở Ai Cập cũng như Antiôkia ở Syria đưa ra trước đó. Ngay từ thời ấy, ngài đã thoáng thấy đại khái những đường nét lớn của vấn đề mà khoa chú giải Thánh kinh hiện nay gọi là “văn hình sử” và “các loại văn thể”. Tắt một lời, đó là vấn đề làm thế nào để biết đâu là phương tiện diễn tả đã được tác giả của quyển sách này hay quyển sách kia trong Thánh Kinh sử dụng, và phương tiện ấy đã được người thời đó hiểu thế nào. Đối với chúng ta, những phương tiện diễn tả và cách giải thích ấy không hẳn là luôn hiển nhiên và rõ ràng. Tình trạng ấy do sự khác biệt giữa nền văn hóa của thế giới ta đang sống với nền văn hóa của người thời đó gây nên. Nói cách khác, vấn đề là làm xác định được đâu là chân lý tôn giáo mà tác giả muốn thông truyền cho những người đương thời với ông bằng một kiểu nói thích hợp với họ. Điều tác giả thực sự muốn nói, và điều ông đã nói theo cách thế những người đồng thời với ông có thể hiểu, điều đó vẫn luôn luôn đúng cách chắc chắn.

Một độc giả chỉ mới đọc thoáng qua có thể bị cám dỗ cho rằng tác giả được linh ứng để viết lịch sử Ađam và dòng dõi ông quả là ngây thơ. Thật ra, tác giả ấy không ngây thơ đâu. Như người thời nay, ông ta cũng biết rằng đứa con đầu tiên của cặp vợ chồng nhân loại nguyên thủy ấy không thể nào tìm ra một bộ lạc có sẵn, gồm những cá nhân khác, cũng là con cháu của cặp vợ chồng nguyên thủy ấy, đang chờ đợi anh để rồi anh sẽ cùng họ lập nên một thành phố lớn.

ĐÂY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CÂU CHUYỆN VÔ NGHĨA

Vậy, qua bài tường thuật này, tác giả sách thánh muốn khẳng định điều gì? Và ngài đã sử dụng những phương tiện diễn tả nào để người thời ấy có thể hiểu? Thực sự ngài chỉ muốn nói rằng cặp vợ chồng nhân loại đầu tiên đã được chính Chúa dựng nên. Ngoài ra, ngài không lưu tâm đến việc tìm hiểu xem phải chăng hành động tạo dựng ấy của Thiên Chúa được thực hiện qua một cuộc tiến hóa dài lâu và chậm chạp của sự sống, cho đến một lúc nào đó, đột nhiên xảy ra việc thổi hơi để phú linh hồn vào trong thân xác, hay Thiên Chúa đã trực tiếp tạo nên con người từ vật chất vô cơ mà không cần có một sự tiến hóa nào trước đó. Điểm chính yếu mà tác giả muốn nói là: chỉ do Thiên Chúa và Tình yêu sáng tạo của Người mà con người được lãnh nhận trọn vẹn hữu thể của mình, và vì thế hoàn toàn lệ thuộc vào Người. Hơn nữa, tác giả còn muốn đặc biệt dạy rằng các tổ phụ đầu tiên của chúng ta đã không vượt thắng được cơn thử thách mà Thiên Chúa đã dành cho họ và họ đã xúc phạm nặng đến Người.

Ý NGHĨA CỦA LỊCH SỬ CUỘC SÁNG THẾ

Ngoài ra, hiểu theo nghĩa rộng, ta sẽ thấy rằng lịch sử từ Cain tới Lamét (St 4,1-23) còn cho thấy các tội cá nhân của con cháu đã không ngừng chồng chất thêm vào nguyên tội do hai ông bà nguyên tổ đã phạm theo một nhịp điệu nhanh chóng là dường nào. Cain là kiểu mẫu đầu tiên của một con người lòng đầy ghen tương, của một kẻ sát hại anh em mình; và một đoạn đặc biệt trong lịch sử của ông (St 4,17) lại nhấn mạnh đến sự gia tăng của tội lỗi trong cuộc sống đô thị. Như thế ta cảm thấy được cách đặc biệt những hậu quả của nguyên tội qua các tội lỗi của con cháu Ađam, quy kết nơi kiểu mẫu đầu tiên là Cain.

Trái lại, trong đời sống nơi thôn dã, dù cùng chịu chung số phận bị chúc dữ do tội lỗi gây ra, nhưng tác giả cho thấy một nền luân lý sáng sủa hơn nhiều. Nền luân lý ấy được nhân cách hóa trong hình ảnh của Aben và nhất là của Sết mà con cháu họ được mô tả là những kẻ biết kính sợ Thiên Chúa và “hằng cầu khẩn Danh Ngài” (St 4,26).

Hành động tội lỗi nơi con cháu Cain được mô tả cách bi đát. Lamét sáng lập chế độ đa thê, và lại là một con người rất mực kiêu kỳ, hung dữ. Ông ta còn tỏ ra là một tâm hồn đầy thù hận, hơn cả bậc tiền bối của mình (Cain).

Tuy nhiên, tất cả đều cho thấy rằng tác giả không hề muốn viết lịch sử cách chính xác của dòng họ Ađam, dựa vào danh tánh và các mốc điểm ngày tháng rõ ràng. Và, nếu thấu hiểu các thể lọai văn chương trong ngôn ngữ Do thái, ta cũng không thể nghĩ rằng tác giả đã muốn xác định vị trí đích thực của Lamét trong số con cháu của Ađam và Cain. Điều ta cần quan tâm và phải cố tìm hiểu là việc tác giả nhân cách hóa hình ảnh ấy nhằm tượng trưng cho những hiện tượng lịch sử rõ rệt, là hậu quả của nguyên tội và của bao nhiêu tội cá nhân khác nữa, đặc biệt là hiện tượng đa thê, ghen ghét, báo thù và sát nhân.

Đức tin Công Giáo


Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?