SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

 


+ VẤN :

Tôi đã đọc thấy trong Thánh Kinh rằng tiên tri Giôna đã bị cá nuốt và đã ở trong bụng cá 3 ngày 3 đêm. Sau đó, Chúa đã ra lệnh cho con cá khạc tiên tri ra trên bãi biển, và cá đã y lệnh; rồi Giôna trở lại tình trạng bình thuờng như trước, và, theo lời Chúa sai phái, ông đến rao giảng tại thành Ninivê… Tôi có cảm tưởng các lời tiên tri của Giôna hoàn toàn chỉ là một câu chuyện hoang đường. Ta có thể biết những gì là đúng thật trong đó không?

Trích bài viết của A.Penna

+ ĐÁP: 

Phải nói ngay rằng phản ứng trên rất dễ hiểu. Bất cứ ai khởi sự đọc sách ấy cũng đều ngỡ ngàng trước những sự kiện lạ lùng trong đó. Để trốn tránh lệnh truyền của Thiên Chúa, Giôna xuống Gióp-phê, và nơi đó ông đã may mắn gặp được một chiếc tàu đi Tác-sô, thành phố Tây phương xa nhất. Để chận ông lại, Chúa làm nổi cơn bão tố. Nhưng dường như điều đó không đánh động được nhà tiên tri của chúng ta vì ông đang ngủ yên lành dưới đáy tàu. Các thủy thủ bắt thăm để tìm xem ai là người gây ra cớ sự, ai là thủ phạm khiến cho tai ách giáng xuống; và thăm trúng ngay vào Giôna. Thế là người ta quăng ông xuống biển, nhưng liền có một con cá há miệng đón ông; trong bụng cá, Giôna cảm tạ ơn Chúa, hát ca vịnh chúc tụng Người; 3 ngày sau, ông được đặt lên bãi biển cách nhiệm mầu; rồi cuối cùng, ông đi đến Ninivê. Khi đến nơi (đó là một đô thị vĩ đại mà tiên tri phải mất 3 ngày mới đi giáp vòng), Giôna đã làm tất cả cho dân thành, kể cả nhà vua, ăn năn hối cải trong một thời gian rất ngắn, bằng cách lặp đi lặp lại chỉ có vài tiếng bí nhiệm. 

Những người không có đức tin đã dựa vào các bài tường thuật này và những bài khác tương tự để nghi ngờ các chân lý thiết yếu nhất trong đạo. Nguyên do không đến từ chính bản văn mà đến từ cách chú giải bản văn ấy. Tất cả chúng ta đều chấp nhận nguyên tắc đầu tiên này là: Thánh Kinh không chỉ gồm có những bài tường thuật về lịch sử, những câu chuyện lịch sử đích xác, những sự kiện đã thật sự xảy ra. Tuy nhiên, đây có thể là một giả thuyết vô căn cớ và làm tổn hại cho việc giải thích chính xác bản văn. Vấn đề cần phải giải quyết trước khi đưa ra một phán quyết về bất cứ một quyển sách nào là phải xét đến cách cấu tạo hay thể loại văn chương của sách ấy. 

Cần phải biết đó là một đoạn văn ký sự, một tiểu thuyết, một câu chuyện có nền tảng lịch sử hay chỉ là một bản văn ngụ ngôn có tính cách giáo dục, chở chất những ý nhắm thần học … Nếu tác giả chỉ muốn cống hiến cho ta một chuyện tiểu thuyết mà ta lại coi đó như là một câu chuyện lịch sử thì ta sẽ không thể nào tránh khỏi việc gán cho tác giả những sự không chính xác và những sai lầm mà ông không bao giờ có ý nói đến. Còn nếu tác giả muốn thuật cho ta một câu chuyện ngụ ngôn, thì ta không thể chất vấn ông tại sao lại có những chi tiết không thích đáng, không ổn trong đó.

Vậy, nếu khởi đi từ xác quyết rằng chuyện tiên tri Giôna là một lịch sử có thật, ta sẽ phải đi đến kết luận như người đã nêu lên vấn nạn trên: "Đó thật ra là một câu chuyện hoang đường". Đúng hơn có lẽ ta nên khởi đi từ một giả thuyết khác, hoặc hay hơn hết là không đặt một giả thuyết nào cả trước khi đọc sách này. Những điều khó tin, những sự cân xứng lạ lùng của các biến cố sẽ hé mở cho ta thấy đây là một câu chuyện bịa, tức một câu chuyện dụ ngôn hơn là một sưu tập về những đoạn đời của một vị tiên tri mà tên tuổi không hề được nhắc đến trong một quyển sách Cựu ước nào khác. Chỉ với cái nhìn đó, các chi tiết ta gặp trong sách mới được biện chính: Chúng không có giá trị miêu tả, không nhằm cho biết chi tiết về hoạt động tiên tri của Giôna, nhưng nhằm làm nổi bật nguồn gốc và giá trị của sứ mạng ông. Trong một câu chuyện lịch sử, những điều đó không thể tha thứ được, nhưng trong một câu chuyện dụ ngôn hay có tính cách giáo dục thì chúng lại không thể thiếu được và bất khả thay thế. 

Nói thế, chúng tôi không có ý  tranh luận về khả thể và thực tại các phép lạ, nhưng chỉ muốn biện biệt những gì chỉ có vẻ bề ngoài là phép lạ (như các câu chuyện huyền bí của khoa học giả tưởng chẳng hạn) mà ta gặp thấy trong sách tiên tri Giôna. Chúng hiện diện rất nhiều trong sách này và được phân phối cách tự do như là do sự xếp đặt của một chiếc đũa thần xảo diệu, nhằm làm cho người đọc chấp nhận tất cả mà không nghi ngờ cãi chối. Sự trở lại ngay lập tức của dân thành Ninivê (trong khi các tiên tri của Israel phải dành trọn cả cuộc đời để rao giảng, kêu gào cũng chỉ đạt được những kết quả nhỏ nhoi), sự xuất hiện bất ngờ của cây đu đủ "để làm bóng mát che cho Giôna và giúp ông nguôi ngoai cơn phiền  muộn" (4,6) là những bằng chứng cho điều ta vừa nói. Nhìn như là những sự kiện đơn độc thì quả là không thể chấp nhận được, thế nhưng, nếu xem đó như là những phương tiện, cách thế để dạy dỗ, ta sẽ thấy chúng mang một nội dung thần học và thiêng liêng rất xâu xa. Sứ điệp chứa đựng trong sách Giôna là một trong những sứ điệp cao sâu và căn bản nhất. Nó kết tinh nơi lời tâm sự cuối cùng của Giavê: "Ta thương Ninivê" (4,11). Tất cả các tiên tri trước đó đều được thúc đẩy để công bố những hình phạt và sự tận diệt cho các thành thị lương dân (xem các sấm ngôn chống lại kẻ ngoại trong các sách tiên tri Amốt, Isaia, Giêrêmia, Êdêkien, Đanien …); trái lại, ở đây, Thiên Chúa cho thấy Người sẵn sàng tha thứ cho thành Ninivê một khi thành này tỏ ra ăn năn hối cải. Tâm trạng do thái độ mới lạ ấy của Thiên Chúa gợi lên trong lòng tiên tri Giôna cũng chính là tâm trạng của quần chúng Do thái khi nghe Phaolô tuyên bố mình đã được sai đi rao giảng ơn cứu độ cho dân ngoại (Cv 22,21). Vậy, đối với tác giả, Giôna có phải là một nhân vật lịch sử hay không, điều đó không quan hệ. Điều đáng lưu tâm chính là vai trò của vị tiên tri, và chủ trương của ông, một chủ trương xây trên thuyết duy dân tộc, duy bè đảng, duy giáo phái của người Do thái. Tác giả nhằm đưa ra quan niệm phổ quát hơn về ơn cứu độ, đối lập với chủ trương hẹp hòi trên. Chủ trương của Giôna bị loại bỏ. Cơn bão, thủy quái (cũng như con quạ của Êlia, con lừa của Balaam) tượng trưng cho những sức lực tự nhiên được Thiên Chúa dùng để phục vụ cho chương trình cứu độ. Và chính bản thân vị tiên tri, người Do thái duy nhất xuất hiện trên sân khấu của vở kịch, lại mang đầy những nét lố bịch; trong khi đó, các nhân vật khác, từ các thủy thủ, nhà vua cho đến loài vật đều được nhìn với cặp mắt đầy thiện cảm.

Như thế, câu chuyện này, vốn có thể bị coi như là vô lý, không thể chấp nhận, lại trở nên một trong những trang tuyệt vời nhất của Thánh Kinh. Phải đến với Chúa Kitô và thánh Phaolô mới có thể tìm lại được một huấn dụ chính xác như vậy. Chính Chúa Kitô đã xác nhận lối giải thích mà chúng tôi vừa nêu trên khi Người coi việc Giôna ở trong bụng cá 3 ngày như là dấu chỉ về cái chết và sự phục sinh của Người. Vậy, nếu câu chuyện tiên tri Giôna là một dấu chỉ, một lời tiên tri, thì nó có giá trị do những gì mà nó tượng trưng chứ không do những gì mà nó thật sự chứa đựng.

Đức tin Công Giáo

Nhận xét

  1. Nằm mơ thấy số 10 Mơ thấy số 10 thường mang lại chúng ta những sự may mắn nhất định. Thế nhưng khi anh em mơ thấy số 10 thì không hẳn đây là giấc mơ tốt. Bởi lẽ điềm báo của giấc mơ luôn phụ thuộc vào từng chi tiết, bối cảnh xảy ra trong giấc mơ đó.

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?