SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

 


+ VẤN : 

Nếu nguồn gốc con người là đơn nhất, làm sao cắt nghĩa sự đa dị chủng tộc của nhân loại? Sao lại có người da đen, kẻ da trắng, da vàng? Ta có thể tìm thấy trong Thánh kinh một lời giải  thích cho sự kiện này không?

Trích bài viết của A. Penna

+ ĐÁP :

Sau đây là lời giải đáp của hai nhà chuyên môn : 

- Một về Thánh kinh : Angelo Penna.

- Một về các khoa nhân học : Piero Messeri.

GIẢI ĐÁP CỦA NHÀ THÁNH KINH HỌC:

“Một người da đen há có thể thay đổi được màu da của mình và con báo có thể đổi bộ lông rằn ri của nó sao?” Đó là câu duy nhất trong Cựu Ước ám chỉ đến các màu da khác nhau. Câu ấy xuất hiện trong một diễn từ của tiên tri Giêrêmia (13, 23), nhằm kết án các kẻ đồng hương với ngài về sự truỵ lạc hư đốn gần như bẩm sinh và vô phương chữa trị nơi họ. Ngài sánh nó với màu da đặc biệt hay bộ lông rằn ri bẩm sinh của hai tạo vật trong vũ trụ là người da đen và con báo. Tính cách độc đáo của bản văn không cho phép ta kết luận về sự hiện diện khá phổ biến của một tâm trạng dựa trên những thành kiến chủng tộc; và chẳng những là không cho phép mà còn khai trừ điều đó nữa. Người Do thái thời cổ ít lưu tâm đến sự hiện diện của những người da đen và họ không hề đặt vấn đề về những người này.

Theo mạch văn thì dịch bằng từ ngữ “người da đen” có vẻ là hợp hơn hết: Trong nguyên ngữ Do thái là tiếng “Kush”: đó là một từ ngữ chính xác qui chiếu về đặc tính địa lý hay chủng tộc. Tiếng này có thể được dịch khá chính xác bởi từ ngữ “Ê-thi-ốp” hay “người Ê-thi-ốp”, tuỳ theo đòi hỏi của văn mạch ; thực ra, cách chung, tiếng đó chỉ các xứ và các dân tộc ở miền Nam nước Ai cập. Thánh kinh, vốn không hề có ý muốn giải quyết vấn đề theo quan điểm lịch sử, đã cho thấy rằng: Trong thực tế, nó không quan tâm gì đến sự phân biệt chủng tộc. Các tác giả được linh ứng ý thức rất rõ về sự đa tạp lớn lao giữa các dân tộc khác nhau. Nhưng các ngài không bao giờ nghĩ rằng những sự khác biệt ấy có thể gây cản trở cho một quan niệm độc tổ về nhân loại. Trong bảng thống kê chủng tộc học của sách Sáng thế chương10 có nói đến những “người Kush” và các dân tộc khác có cùng đặc điểm về thể xác như thế, và coi đó là những miêu duệ của Noe; họ được đồng hoá – trong một thành ngữ chung dùng để chỉ những người ấy dưới danh xưng là “những người anh em” -  với các người Ai cập và người xứ Canaan, tức với các tiền nhân của người Do thái ở Palestina.

Trong Tân Ước ta cũng dễ bắt gặp một thái độ dửng dưng tương tự đối với vấn đề thực ra không có ai đặt ra này. Ta gặp thấy câu chuyện sự trở lại của một vị quan trong triều đình nữ hoàng Ê-thi-ốp được thuật lại cách hoan hỉ (Cv 8, 26-40) – dầu vậy biến cố ấy không được coi như là một chuyện lạ lùng đặc biệt – và trong đoạn miêu tả về lễ Hiện xuống đầu tiên, tác giả  cũng nói đến nhiều dân tộc khác nhau đại diện bởi những người đi hành hương tụ tập tại Giêrusalem. Phổ quát tính của Giáo hội mặc nhiên nổi bật lên từ hai bài tường thuật này. Giáo hội phải qui tụ tất cả mọi người và không lệ thuộc vào những sự phân chia biểu lộ qua các sự đa dị chủng tộc hay văn hoá hoặc do các đa dị ấy gây ra. Thánh Phaolô tuyên bố rằng trước mặt Thiên Chúa và đối với Tin mừng, không hề có sự khác biệt giữa người Do thái, Hy lạp hay man di (Gl 3,28; Cl 3,11).

Tuy nhiên, Thánh Kinh nhìn con người trong tương quan với Thiên Chúa. Nó nhắc lại cho hết mọi người không trừ một ai, rằng tất cả đều có một cha chung là Thiên Chúa và mọi người đều phải về với Người. Nó biết có những khác biệt chủng tộc; nhưng, dầu không hề xác định gì về vấn đề này, trong thực tế ta cũng không gặp thấy trorng đó điều nào chống lại thuyết độc tổ. Vấn đề thuộc về lãnh vực thuần tuý khoa học. Các nhà thông thái có thể đề nghị nhiều giả thuyết hay lý thuyết khác nhau, nhưng không có một nhà bác học nghiêm chỉnh nào lại nhìn thấy trong những đa dị chủng tộc một luận chứng vững chắc đến độ không thể vượt qua được nhằm chống lại quan niệm cho rằng con người phát xuất từ một cặp vợ chồng nguyên thuỷ. Nhất là có chắc rằng hiện tượng đa dị chủng tộc là một luận chứng hỗ trợ cho thuyết đa tổ, vốn bị nhiều người phi bác và Giáo hội cũng không thích mấy vì nhiều lý do khác nữa (như trình thuật về nguồn gốc nhân loại trong Thánh kinh và nhất là giáo lý về tội nguyên tổ).

GIẢI ĐÁP CỦA NHÀ NHÂN CHỦNG HỌC:

Trước vấn nạn này ta có thể trả lời hai cách: Trong các chủng tộc hiện nay, màu da có thể sai biệt về cuờng độ, từ trắng – hồng, đến nâu, vàng, đen; và mỗi nhóm chủng tộc có một sắc da riêng. Do đặc tính chủng tộc học này, ta có thể phân loài người làm ba loại chính: Người da trắng, người da vàng và người da đen. Có nhiều nhân tố khác nhau cùng góp phần vào việc tạo nên sự khác biệt màu da này: Độ dày của ngoại bì, sức chuyển vận máu của da, và lớp da bao bọc mặt ngoài, nhưng nhân tố chính yếu hơn hết là hắc sắc tố, một thứ sắc tố mà, nơi con người, chỉ gặp thấy ở phần ngoại bì. Tuỳ theo số lượng và vị thế của sắc tô này (sâu đậm hay chỉ hời hợt sơ sài) mà ta có những cấp độ đậm nhạt khác nhau của màu da. Khoa nhân học dùng một thang màu sắc, đánh số từ 0 đến 36 để diễn tả các cấp độ khác nhau này của màu da, đi từ sắc lợt nhất đến đậm nhất.

Hắc sắc tố có tính chất và nhiệm vụ đặc biệt là hấp thụ những tia tử ngoại của quang phổ mặt trời. Nơi nào trên trái đất mà các tia ấy có một cường độ khá cao thì cần có một sự bảo vệ kỹ càng hơn; trái lại, nơi cường độ kém, chỉ cần bảo vệ sơ sơ cũng đủ. Thực ra, cần phải có một số ít những tia ấy chiếu vào ngoại bì, để thấu nhập đến những tầng lớp thẩm sâu của da, hầu tạo ra sinh tố D mà cơ thể cần có để điều chỉnh sự biến hoá chất vôi. 

Vậy, làm sao giải thích sự dị biệt màu da giữa các người khác trên thế giới? Hầu hết các nhà thần học hiện nay đều nhận rằng: Loài người có một nguồn gốc duy nhất (tức họ chủ trương thuyết độc tổ, trái với lập luận đa tổ), và ngay nơi những đại biểu đầu tiên của nhân loại (Ađam và Eva) màu da cũng đã có những sắc độ khác nhau, tiếp đến nó lại còn phải chịu nhiều đổi thay về lượng cũng như về phẩm, do những điều kiện đặc biệt củau môi trường xung quanh trong đó con cháu các vị đại biểu đầu tiên ấy sinh sống tạo ra. Và, vì con cháu họ sinh sản rất nhanh trong các miền khác nhau, nên từ đó nảy sinh không bao nhiêu là chủng tộc. Như thế, đặc điểm nào của sự “biến đổi màu da do sắc tố tạo ra” thích hợp nhất với một môi trường sống nhất định sẽ trở thành yếu tố di truyền và con cái của những người cùng thuộc về một chủng tộc nhất định sẽ thừa hưởng của cha mẹ chúng đặc điểm ấy, cũng như mọi đặc điểm nhân học khác (khổ người, hình thể đầu, mũi, mắt và bộ tóc; chiều dài của đôi chân …). Từ đó xuất hiện sự khác biệt giữa người với người do màu da tạo nên. Con cái của những người da đen hay da vàng, dù sinh ra và sống tại Âu Châu cũng vẫn có sắc da vàng hay đen, vì chúng được cha mẹ di truyền lại đặc điểm của “sự biến đổi màu da do sắc tố tạo ra”. Đặc điểm này vẫn tồn tại, cả trong những miền có những điều kiện địa lý không ăn khớp với nó. Về cách thế phát sinh những sắc tộc da màu (vàng hay đen), ta có thể dùng lý thuyết về sự đột biến để giải thích (tức sự đột xuất bất ngờ của một đặc tính sau đó sẽ trở nên một cấu tố di truyền). Hơn nữa, đối với sự xuất hiện của những sự khác biệt như thế, ngày nay người ta nghiêng về lý thuyết về sự hoạt động đào thải chọn lọc của môi trường xung quanh, như đã có từ thuở ban đầu.

Cuối cùng, đối với vấn đề xác định màu da của nguyên tổ loài người (Ađam, Eva), không ai có thể quả quyết chắc chắn được vì những di tích hoá thạch không cho ta một dấu hiệu nào. Tuy nhiên, ta có thể nghĩ rằng nơi họ chắc đã phải có đầy đủ mọi khả thế sẽ được hiện thực sau này trong những nhóm chủng tộc khác nhau như hiện nay, ít nhất là ở trạng thái tiềm thể.

Đức tin Công Giáo

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?