SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

 




+ VẤN:

Làm sao ông Noe đã có thể qui tụ mọi loài động vật, cả trống lẫn mái, cả đực lẫn cái, vì có một số sinh vật rất nhỏ? Tìm đâu ra thức ăn cho cả một thế giới động vật ấy và nhất là làm sao biết được thức ăn nào thích hợp cho mọi giống vật? Khó có thể tin rằng Noe biết hết mỗi giống vật hầu quy tụ chúng lại. Con tàu chỉ có thể tích là 25 thước khối thì làm sao có thể trở được hết tất cả mọi thú vật của địa cầu, mỗi thứ một cặp?

Trích bài viết của A.Penna

+ ĐÁP:

Các thắc mắc nêu trên rất hợp lý và có nền tảng, cả đến thắc mắc cuối cùng về sức chứa của con tàu ông Noe. Về số lượng, ta có thể thêm rằng, theo St 7,2 ( x. 8,20) có 14 đại diện cho 14 loại. Và, nối câu 11 đoạn 7 lại với câu 23 đoạn 8, ta kết luận được rằng cả thế giới loài vật ấy đã phải sống trong một không gian rất chật hẹp hầu như suốt một năm trường.

Không cần nghĩ đến một phép lạ để bảo đảm sự sống còn của chúng; Thánh Kinh không nói gì về chuyện đó. Ta có thể thấy được ngay câu giải đáp khi phân biệt biến cố lịch sử và huấn dụ mà tác giả Sách Thánh muốn rút ra từ biến cố ấy. Về biến cố lịch sử, ngày nay người ta tin rằng đó là một cơn lụt tại địa phương thôi, nhưng rất khủng khiếp đối với xứ lâm nạn. Đó là điều hiển nhiên, xét về mặt địa lý học. Nhưng cần phải xét xem có phải tai hoạ ấy chỉ tác hại trên một phần nhân loại mà thôi không. Điều này tuỳ thuộc vào thời gian tai biến xảy ra. Nếu xảy ra trễ, tức vào lúc mà hầu như con người đã có mặt khắp nơi, thì ta phải nhận là có một sự giới hạn về nhân số nữa. Trái lại, nếu xảy ra vào thời kỳ đầu tiên của nhân loại, ta có quyền nghĩ là tai ương ấy tác hại trên tất cả mọi người: Chỉ một rất nhỏ được thoát và họ cũng đã mang theo những thú vật thông dụng, để giúp họ làm việc hoặc dùng làm thực phẩm. Như thế, đó là một giai đoạn đáng nhớ và trở thành một trong những câu chuyện hấp dẫn … Từ đó có nhiều truyền thuyết khác nhau thành hình, trong số đó có hai cái được ghi lại trong Thánh Kinh.

Có nhiều chứng cứ cho thấy là Thánh Kinh không có ý thuật lại một ký sự về cơn lụt, Thánh Kinh đã chọn lấy truyền thuyết về một cơn lụt vĩ đại nhất có tính cách hoàn vũ (tất cả trái đất đều bị chìm ngập: mọi sinh vật đều thọ nạn) và đã lồng nó vào trong một bài tường thuật đầy ắp những huấn dụ thần học cùng luân lý. Trước tiên, tại sao có tai biến vĩ đại ấy? Câu trả lời được gặp thấy ngay đầu bài tường thuật. Vậy, bài học thứ nhất là: Sự trầm trọng của tội lỗi cần phải có hình phạt. Kế đến là vấn đề: Thiên Chúa xử thế nào đối với một nhân loại tội lỗi như thế? Làm sao hoà giải những yêu sách của sự công chính với lòng nhân từ vô biên của Người? Người có sẽ tái diễn một hình phạt khác cũng gắt gao như trận lụt đại hồng thuỷ này không? Thánh Kinh đã trả lời những nghi vấn ấy, không phải bằng những suy từ thần học hay triết học, nhưng bằng các sự kiện.

Người công chính không thể bị tiêu diệt cùng với các tội nhân; thực vậy Noe và cả gia đình đã được cứu thoát, lụt đại hồng thuỷ là phương thế biểu hiện sự công chính của Thiên Chúa, và đồng thời cũng là dịp biểu tỏ lòng nhân từ của Người. Sau hình phạt ấy, hầu như là có một cuộc sáng tạo mới. Thiên Chúa giải toả mặt đất khỏi màn nước mênh mông như Người đã làm khi mới bắt đầu cuộc sáng tạo, và Người tỏ bày tất cả tình yêu cho con người (giao ước với Noe: Lời hứa sẽ không bao giờ tái diễn một hình phạt tương tự).

Ta còn có thể nêu ra một loạt những ghi nhận khác nữa. Nhìn dưới ánh sáng ấy trình thuật về lụt đại hồng thuỷ mặc một ý nghĩa lớn lao trong kế hoạch cứu độ, như Tân Ước và các giáo phụ thường nói. Xin nhắc lại rằng: không nên áp dụng cách giải thích ấy cho toàn bộ Thánh Kinh. Tất cả các nhà chú giải đều đồng ý nhìn nhận là 11 chương đầu của sách Sáng thế có những đặc điểm riêng: Ở đó, bận tâm về giáo thuyết lấn át trên các sự kiện. Còn trong chương khác cũng một sách ấy, và nhất là nơi các sách khác, những bài tường thuật lại có những đặc điểm hoàn toàn khác. Vậy, cứ khư khư áp dụng cùng những nguyên tắc chú giải như nhau vào tất cả mọi trường hợp là một chuyện phi lý và sai lầm.

Tuy nhiên, nếu đối với một trình thuật có chú đích ghi lại sự kiện lụt đại hồng thuỷ, thì các nhận xét và thắc mắc trên được nêu lên rất đúng và hợp lý. Trái lại, đối với bài tường thuật của Kinh thánh thì chúng không có lý do tồn tại, vì dầu vẫn dựa vào truyền thuyết về một sự kiện có thật nhưng không thể đào sâu các các chi tiết của sự kiện ấy, tác giả sách thánh tiên vàn nhắm đưa ra một huấn dụ tôn giáo (dựa trên lịch sử) về ý nghĩa của vĩnh cửu.

Đức tin Công Giáo

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?