Danh hiệu vị lãnh đạo của Hội Thánh Công Giáo


Hỏi: Ngoài danh hiệu Đức Giáo Hoàng và Đức Thánh Cha, vị lãnh đạo của Hội Thánh Công Giáo còn có danh hiệu nào không?



Trả lời:
Trong tiếng Việt, vị lãnh đạo của Hội Thánh Công Giáo được gọi bằng nhiều danh xưng: Đức Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha, Đức Giáo chủ (Đức Giáo tông).
Có lẽ, chỉ có danh hiệu “Đức Thánh Cha” là dịch sát với các tiếng Âu châu hơn hết (Saint Père, Holy Father, Sancto Padre).

Trong tiếng La-tinh, người ta còn gán cho Đức Thánh Cha những danh hiệu khác nhau như: Episcopus Ecclesiae Catholicae, Romanus Pontifex, Papa, Sedes Apostolica, Servus servorum Dei, Vicarius Petri, Vicarius Christi, Caput Ecclesiae, Sua Sanctitas. Những danh hiệu này có ý nghĩa gì?

Episcopus Ecclesiae Catholicae

Ở cuối công thức ban hành các văn kiện của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, Đức Phao-lô VI ký tên với danh hiệu này. Nếu dịch ra tiếng Việt, thì nó có nghĩa là Ngài là “Giám mục của toàn thể Hội Thánh Công Giáo”, nhưng Ngài không sử dụng nghĩa đó, mà sử dụng nghĩa “Giám mục Rô-ma” (Urbis Romae).

Romanus Pontifex

Dịch ra tiếng Việt là “Giám mục Rô-ma”. Có thể nói đây là danh hiệu nguyên khởi của Đức Thánh Cha.

Papa

Đây là một danh xưng thân mật: cha. Bên Đông phương, các giám mục và linh mục đều được gọi là papas. Nhưng bên Tây phương, từ thế kỷ thứ III, danh xưng ấy được dành cho các giám mục, từ thế kỷ IX, dành riêng cho giám mục Rô-ma (papa urbis Romae). Khi dịch ra tiếng Pháp là le Pape và tiếng Anh là the Pope, nó đã mất đi tính cách gia đình, nhưng nó vẫn còn âm vang ở tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Sedes Apostolica

Trong tiếng Việt, chúng ta dịch là “Tòa Thánh”, mà lẽ ra phải dịch là “Tòa Tông Đồ”, hoặc “Tông Tòa” mới đúng, tuy rằng về thực chất “Tòa Thánh” (Sancta Sedes, Saint Siège, Holy See) và “Tòa Tông Đồ” đồng nghĩa.

Lúc đầu, từ “Tòa Tông Đồ” ám chỉ giáo phận hay tòa giám mục do thánh tông đồ lập (ví dụ, giê-ru-sa-lem, An-ti-ô-ki-a, A-lê-xan-ri-a, Ê-phê-sô). Tuy nhiên, bên Tây phương chỉ có một mình giáo phận Rô-ma là do thánh Tông đồ Phê-rô lập, nên dần dần tiếng :Tòa Tông Đồ” được được dành cho giám mục Rô-ma. Cũng vậy, những tính từ gắn liền với tiếng “tông đồ” (tựa như phép lành tông đồ: Benedictio Apostolica, quen dịch là Phép lành Tòa Thánh), lúc đầu được áp dụng hết cho các giám mục, thừa kế các thánh tông đồ, nhưng từ thế kỷ XIV, danh riêng cho Đức Thánh Cha mà thôi.

Servus servorum Dei

Dịch là “Tôi tớ ủa các người tôi tớ Chúa”. Nguồn gốc của danh xưng này bắt đầu từ các tác phẩm của thánh Bê-nê-đích-tô (Biển Đức) và thánh Au-gút-ti-nô nói về quyền bính trong Hội Thánh: quyền bính được trao để phục vụ chứ không phải để thống trị.

Vì vậy không lạ gì nhiều giám mục, viện phụ xưng mình với danh hiệu ấy. Riêng Đức Thánh Cha Gregorio Cả đã dùng danh xưng này để đáp lại công thức trịch thượng của Giáo chủ Constantinôplis khi phong mình là Thượng phụ hoàn vũ (Patriarcha oecumenicus). Từ thế kỷ XIII, danh xưng “Tôi tớ các tôi tớ Chúa” được dành riêng cho các Đức Thánh Cha.

Vicarius Petri, Vicarius Christi

Nghĩa là “Đại diện thánh Phê-rô”, “Đại diện Chúa Ki-tô”.
Đức Thánh Cha được coi là đại diện của thánh Phê-rô (Vicarius Petri) theo nghĩa là tiép tục công tác và chức vụ của thủ lãnh các tông đồ.

Còn tiếng “Đại diện Chúa Ki-tô” (Vicarius Christi) lúc đầu được dùng với ý nghĩa thiêng liêng, theo nghĩa là Đức Thánh Cha (cùng các giám mục, linh mục) là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Ki-tô giữa đoàn chiên. Nhưng với Đức In-nô-xen-tê III, tiếng Vicarius Christi được hiểu theo nghĩa pháp lý, nghĩa là người nắm giữ quyền hành của Đức Ki-tô. Từ đó, chỉ có Đức Thánh Cha mới dùng danh hiệu này.
Tuy nhiên, trong Hiến Chế về Hội Thánh số 21 và 27 (Lumen Gentium số 21 và 27), Công Đồng Va-ti-can-nô II cũng gọi các giám ục là “Đại diện Đức Ki-tô”, theo nghĩa thiêng liêng là làm hiện thân Đức Ki-tô, mục tử.

Caput Ecclesiae

Nghĩa là “Nguyên thủ của Hội Thánh”.
Lúc đầu danh hiệu này được áp dụng cho Đức Thánh Cha, xét vì là nguyên thủ của Hội Thánh Rô-ma, nhưng Đức In-nô-xen-tê I và Lê-ô I nới rộng ra toàn thể Hội Thánh. Dĩ nhiên, chỉ Đức Ki-tô mới thực là nguyên ủy của Hội Thánh, xét vì Ngài là cội nguòn của ơn cứu chuộc thông tràn cho các phần tử được quy tụ nhân danh Ngài. Như thế, Đức Thánh Cha là nguyên thủ theo nghĩa là ngươi lãnh đạo hữu hình của Hội Thánh.

Sua Sanctitas (His Holiness, Sa Sainteté)

Có thể dịch là “Đấng thánh”, “bậc thánh thiện”.
Tiếng Việt không dịch nhiều thuật ngữ dùng ở giáo triều Rô-ma: Sua Santità dành cho Đức Thánh Cha (hay các Thượng phụ chính thống), Sua Eminenza (dành cho Hồng y), Sua Eccllenza (dành cho Giám mục).

Như vậy, vị thủ lãnh của Hội Thánh Công Giáo có rất nhiều danh xưng khác nhau. Mỗi danh xưng đều gắn với một lịch sử: có danh xưng thể hiện quyền lực (Caput Ecclesiae), nhưng cũng có những danh xưng thể hiện ơn gọi của Ngài (Episcopus Ecclesiae Catholica, Sedes Apostolica, Servus servorum Dei, Vicarius Petri, Vicarius Christi, Sua Sanctitas) và có những danh xưng thể hiện lòng yêu mến của đoàn chiên dành cho vị cha chung của Hội Thánh (Papa).

Riêng đối với Hội Thánh Việt Nam, chúng ta thường gọi Ngài là Đức Thánh Cha hay Đức Giáo Hoàng. Việc đặt tiếng “đức” trước danh hiệu cũng thể hiện một sự kính trọng và lòng yêu mến của con chiên Việt Nam đối với vị mục tử chung của Hội Thánh.

Đức tin Công Giáo
trích từ bài viết của Linh mục Giu-se Phan Tấn Thành O.P

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?