Tại sao lại không gọi Ma-ri-a?
Tại sao Tin mừng Gio-an lại gọi Đức Ma-ri-a là Thân Mẫu của Chúa Giê-su, chứ không gọi rõ là Ma-ri-a như trong các Tin mừng Nhất Lãm (Mát-thêu, Mác-cô và Luc-ca)?
Quả thật nếu đọc toàn bộ cuốn Tin mừng thứ tư (Gio-an) thì chúng ta chỉ thấy tác giả gọi Mẹ Ma-ri-a là Thân mẫu (Ga 2,1.3.5.12; 19,25.26). Phải chăng là tác giả không biết tên thật của Mẹ? Hay tác giả không gọi tên vì sợ nhầm với các Ma-ri-a khác (chẳng hạn Ma-ri-a chị của La-da-rô, Ma-ri-a Mác-đa-la hay Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát)?
Chúng ta biết rằng Tin mừng Gio-an được viết muộn nhất trong bốn Tin mừng, mà ba tin mừng kia đều nói chính xác tên gọi Mẹ Ma-ri-a. Do đó, không thể không có chuyện tác giả Tin mừng thứ tư lại không biết. Còn vấn đề nhầm lẫn thì không phải lý do, bởi ba Tin mừng kia vừa đề cập đến Mẹ Ma-ri-a vừa nói đến các bà Ma-ri-a khác nhưng vẫn không làm độc giả hiểu lầm. Bởi thế, hai lý do này không phải là vấn đề mà tác giả Tin mừng thứ tư mắc phải. Chính vì thế, chắc chắn tác giả có dụ ý thần học gì đó khi gọi Mẹ Ma-ri-a là Thân Mẫu, chứ không gọi tên.
Thứ nhất, nói đến Thân Mẫu là nói đến tình gia đình và đặt độc giả trong bầu khí ấm áp của tình mẹ con. Do đó, độc giả không thể dửng dưng trước những biến cố xảy ra đối với người thân: vui cùng vui, khóc cùng khóc, cùng nhịp bước với Mẹ trong hành trình đến đỉnh đồi Golgotha.
Kế đến, nói đến Thân Mẫu là nói đến Mẹ, nói đến người sinh ra ta, gợi lại hình ảnh bà E-và (mẹ chúng sinh). Do đó, tác giả muốn khẳng định Đức Mẹ là E-và mới: Mẹ của nhân loại - sinh chúng ta trong Chúa Ki-tô.
Nhận xét
Đăng nhận xét