SỐ 4. ADAM VÀ EVA TRONG SÁCH GIÁO LÝ VÀ NƠI TRƯỜNG HỌC

 

    Khoa khảo cổ và các khoa học tự nhiên mách cho ta biết bao sự diệu kỳ của con người. Nhưng, chỉ đức tin mới giúp ta khám phá điểm kỳ diệu độc đáo nhất: Thiên Chúa đã dựng nên con người để có một tạo vật biết đem tình yêu đáp lại tình yêu của Người. Mỗi người đều nhập cuộc vào trong một lịch sử lâu dài. Có hàng ngàn mối dây liên kết nó lại với vạn vật và gia đình nhân loại. Tuy vậy, mỗi cá nhân đều đối diện cách riêng biệt với Thiên Chúa. Người gọi đích danh từng người một, như đối với Adam và Eva vậy. Con người thực sự và hoàn toàn là công trình của Thiên Chúa.

(Trích bài viết của B.Haering)


+ VẤN:

Con gái tôi, mới lên 9 tuổi, một hôm đã hỏi một câu như sau: “Sao trong sách giáo lý người ta dạy con về việc Thiên Chúa dựng nên ông Adam, và Evà … , trong khi đó, những quyển sách nơi học đường lại kể lại một lịch sử về con người hoàn toàn khác, không hề nói đến các vị nguyên tổ đầu tiên ấy?” Tôi phải trả lời sao đây?

+ Đáp:

Tôi không nghĩ rằng một thần học gia nổi tiếng có thể giải nghĩa điều đó cho một đứa bé lên 9 hay hơn một bà mẹ thông minh khôn khéo. Thật vậy, để diễn tả cách đơn sơ giản dị, các nhà chuyên môn về thần học phải khổ công cố gắng lắm, và đôi khi họ cũng có thể thành công. Tuy thế, việc đối thoại thân tình của người cha hay người mẹ vốn thấu hiểu ngôn ngữ của trẻ con là một điều bất khả thay thế. Cha mẹ là những nhà giáo dục đức tin và là những sứ giả Tin Mừng đầu tiên. Chỉ họ mới có thể nhận ra những điều gì con cái mình có thể lĩnh hội được, tùy theo trình độ phát triển của chúng. Chỉ họ mới có thể tìm ra một lối diễn tả thích hợp.

Bài tường thuật về việc sáng tạo ông Ađam và bà Evà trong Thánh kinh là một kiệt tác trong nghệ thuật lồng vào câu chuyện một chân lý. Không kể các đặc nét khác, tác giả Sách Thánh đã biết thích ứng cách tuyệt diệu với khả năng lý hội của những người có cùng một văn hóa với ông. Ông đã biết thích nghi với tâm thức của họ. Vậy, khoa thần học cần phải nghiên cứu về văn hóa đó, để, nhờ vào ánh sáng ấy, có thể diễn tả lại những trình thuật này theo ngôn ngữ của người thời nay.

Thế thì, tác giả đã muốn thông truyền cho độc giả của mình chân lý gì?

Bài trình thuật của ông nhằm làm nổi bật một  điểm trọng yếu: Con người là chóp đỉnh của công trình sáng tạo. Mọi sự đều được dựng nên trong viễn tượng ấy để con người có thể nhận ra quyền năng Thiên Chúa trong mọi sự và giúp vạn vật cất tiếng ca khen vinh quang Đấng sáng tạo. Con người không do ngẫu nhiên mà có, lại càng không phải là kết quả của một sự tình cờ trong lịch sử. Sự xuất hiện của con người trên trái đất đã được Thiên Chúa chuẩn bị trước. Cuộc tiến hóa và toàn thể lịch sử thế giới đều dựa trên ý định của Thiên Chúa: Vì yêu, Thiên Chúa đã muốn tạo dựng nên con người để cho làm kẻ thân tín, làm bạn tâm phúc của Người.

Thuyết tiến hóa hiện nay chỉ cụ thể hóa những hình ảnh cổ truyền mà ta đã quen dùng để hình dung về lúc khai nguyên thế giới. Thuyết ấy nói đến những thời kì bao la vĩ đại, nhờ đó ta có thể hiểu rõ hơn việc con người thực sự là chóp đỉnh và là điểm cuối của cả một lịch sử tiến hóa dài lê thê.

Khoa khảo cổ và các khoa học tự nhiên mách cho ta biết bao sự diệu kỳ của con người. Nhưng, chỉ đức tin mới giúp ta khám phá điểm kỳ diệu độc đáo nhất: Thiên Chúa đã dựng nên con người để có một tạo vật biết đem tình yêu đáp lại tình yêu của Người. Mỗi người đều nhập cuộc vào trong một lịch sử lâu dài. Có hàng ngàn mối dây liên kết nó lại với vạn vật và gia đình nhân loại. Tuy vậy mỗi cá nhân đều đối diện cách riêng biệt với Thiên Chúa. Người gọi đích danh từng người một, như đối với Adam và Evà vậy. Con người thật sự và hoàn toàn là công trình của Thiên Chúa, vì, xét cho cùng, chính Người là tác giả của cuộc tiến hóa. Chính Đấng tạo hóa đã ban năng lực và cứu cánh tính cho mọi tạo vật, đó là những động lực hướng dẫn các chuyển động của chúng. Chính Người nâng đỡ sự “chuyển biến”. Chính Người duy trì sự hiện hữu của chúng ta và cũng chính Người trực tiếp dựng nên linh hồn của mỗi người. Tận đáy lương tâm của mỗi người chúng ta, chúng ta đều được Chúa trực tiếp mời gọi, một lời mời gọi hãy tin vào Người; và mỗi người đều có thể chấp nhận hay từ chối lời mời gọi ấy.

Bài tường thuật của Thánh Kinh không hề nói gì về lý thuyết tiến hóa hiện đại, và cũng chẳng hề nói ngược lại thuyết ấy. Chính các nhà chủ trương thuyết tiến hóa đã đứng lên chống lại Thánh Kinh khi họ khẳng quyết rằng tiến trình kỳ diệu của lịch sử trái đất cũng như sự xuất hiện của con người chỉ do ngẫu nhiên mà có. Thánh Kinh không hề ghi lại một niên biểu lịch sử về nguồn gốc của thế giới và con người; nó cũng chẳng hề để lại cho chúng ta một trang nào nói về lịch sử tự nhiên. Thánh Kinh chỉ mạc khải cho ta ý nghĩa tôn giáo của thế giới, của con người, và của nguồn gốc cùng lịch sử của các thực tại ấy: Vì chỉ có ý nghĩa mới làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.


Đức tin Công Giáo

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?