Thủ dâm – thẩm định tâm lý và luân lý

Hỏi:
Tôi nghe nói có một nhà tâm lý học phân biệt hai sự “thủ dâm tốt” và “thủ dâm xấu”. Một đàng giúp cho con người mở ra với người khác, và đàng khác làm cho con người đóng kín vào chính mình. Vậy luân lý công giáo dạy như thế nào?



Trả lời:

Tuổi thiếu niên, do những biến đổi thể lý và tâm lý sâu xa, nói lên một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử của mỗi con người, nhất là đối với lãnh vực tình cảm, tình yêu và tính dục. Theo nhiều thống kê cho biết, chính vì sự phát triển tính dục “âm ĩ”, đôi lúc vì thiếu sự trưởng thành cá nhân hay một vài khó khăn trong việc hiểu biết để hướng dẫn bản năng và ước muốn tính dục, là những yếu tố gây ra việc thủ dâm (tự tìm khoái cảm).

Chúng ta phải cắt nghĩa hiện tượng đó như thế nào? Thiếu niên có sống “kinh nghiệm” ấy với mặc cảm tội lỗi không? Là một mặc cảm tội lỗi “thật” hay “giả” Phải chăng chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh văn hóa cần phải vượt qua? Việc thủ dâm có phạm tội không?

Trưởng thành và đình chỉ

Khoa tâm lý cho biết con người tiến sự trưởng thành phái tính phải trải qua nhiều giai đoạn mà cần phải có yếu tố thời gian mới vượt qua được, ít ra là không bị ngăn cản bởi những động lực đình chỉ. Trong tiến trình ấy, việc thủ dâm được xem như một sự vượt qua tuy không cần thiết nhưng rất phổ thông đi đến sự trưởng thành tính dục hướng về mối tương quan với một người khác.

Hơn nữa, những nhà tâm lý muốn nhìn kinh nghịm thủ dâm trong khía cảnh tích cực, nghĩa là như một giai đoạn quan trọng trong việc khám phá dần dần và gẫn gũi với chính thân xác của mình trong tương quan thực tế với người khác phái.

Chúng ta thấy lý thuyết này có thể ích lợi với điều kiện là chỉ dừng lại ở mức độ nào đó như một sự cắt nghĩa về hiện tượng ấy. Hay nói cách khác, những quan sát của khoa tâm lý không thể thay thế cho những qui luật luân lý. Và càng không đúng khi nghĩ rằng việc thủ dâm là một bước bắt buộc phải có để tiến đến sự trưởng thành. Nghĩ như thế thật là sai lầm vì người ta có thể kết luận nếu những thanh niên nam nữ không thủ dâm thì không thể có được sự trưởng thành thực sự. 

Hơn nữa, chúng ta cũng cần biết giai đoạn này được hiểu như là giai đoạn chuyển tiép có thể qua đi một cách tự nhiên. Việc thủ dâm có thể chỉ làm cho con người quy hướng về chính mình, ngược lại với ý nghĩa và tính chất sinh động của tính dục là thúc đẩy con người đến sự hiệp thông và trao ban cho nhau.

Điều quan trọng là nhà giáo dục cần phải tránh xa những biện hộ hời hợt cũng như đừng quá hốt hoảng, nhưng phải biết hướng dẫn bản năng và ước muốn tính dục của các bạn trẻ để giúp họ hội nhập vào tiến trình cởi mở và hiệp thông với người khác. Thông hiểu là một việc có thể làm được và phải thực hiện bằng mọi cách, nhưng biện minh là ngăn chặn sự tăng trưởng và không giúp cho con người vượt ra khỏi chính mình.

Sự trợ giúp của khoa tâm lý

Khoa tâm lý đã đóng góp rất nhiều tỏng việc giúp cho con người hiểu biết cách phân biệt những thực tại khác nhau trong cùng một hiện tượng. Trước hết, khoa tâm lý dạy chúng ta đừng lầm lẫn sự thủ dâm trong tuổi thiếu niên với sự thủ dâm nơi người lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng đi từ thái cực này đến thái cực kia, nghĩa là ngày trước người ta xem sự thủ dâm là căn nguyên của mọi sự xấu, trong khi ngày nay chẳng những không có gì xấu mà còn cho là tốt nữa.

Luân lý công giáo thường lưu ý đến mục đích của tính dục nên xem việc thủ dâm như một hành động không có ý nghĩa gì cả, bởi vì mục đích của tính dục nhắm đến hai chiều kích: tương quan tình yêu giữa người nam/nữ và mở đường cho sự sống. Trong việc thủ dâm chẳng những tính dục không liên hệ gì đến hai mục đích ấy mà còn nghịch lại nữa. 

Thật vậy, việc thủ dâm như một cách sống cô lập và thiếu vắng bất cứ một sự cởi mở hiệp thông nào với người khác. Vì vậy, người thủ dâm thiếu khả năng mang lại cho kinh nghiệm tính dục giá trị nhân bản đích thực của nó.

Việc không chấp nhận sự thủ dâm trên bình diện luân lý không phải là bắt nguồn từ quan niệm tiêu cực về bản năng và ước muốn tính dục, cũng không phải vì nhìn thấy trước những hậu quả xấu về thể lý cũng như tâm lý. Mục đích của những quy luật luân lý, ngay cả những luật cấm, vẫn luôn mang tính tích cực. Trong trường hợp này, quy luật luân lý nhằm thông hiểu về ý nghĩa đích thực của tính dục.

Không nghiêm khắc cũng đừng làm ngơ

Nhà giáo dục ngày nay phải sẵn sàng với những hiểu biết của mình để tránh những can thiệp quá nghiêm khắc đối với sự thật luân lý, nhưng ngược lại cũng không nên có thái độ thờ ơ và lặng thinh bỏ mặc cho con người chơi vơi trong những vấn đề của họ.

“Trong vấn đề thủ dâm, khoa tâm lý ngày nay mang lại nhiều dữ kiện hữu hiệu và ích lợi để có được một phán quyết đúng hơn về trách nhiệm luân lý và để hướng dẫn hoạt động mục vụ. Nó giúp cho chúng ta thấy sự thiếu trưởng thành của tuổi thiếu niên mà đôi lúc có thể kéo dài quá tuổi của chúng, sự mất quân bình tâm lý hay thói quen có thể ảnh hưởng trên lối sống, đồng thời làm giảm nhẹ tính chất tự do của hành động, và vì thế, một cách chủ quan, không phải lúc nào cũng là tội trọng” (Persona Humana, 9; xem GLCG 2352).

Nhiều khi người ta thủ dâm không phải chỉ để tìm kiếm khoái cảm tính dục. Trong cách nhìn đó, khoa tâm lý mang lại một sự đóng góp khá quan trọng khi cho chúng ta biết rằng việc thủ dâm, nhất là khi đã trở thành thói quen, có thể là một chứng bệnh và dấu báo cho thấy những vấn đề không hẳn chỉ thuộc lãnh vực tính dục mà thôi nhưng còn sâu xa hơn nữa, chẳng hạn như gặp khó khăn trong tương quan với người khác, cảm thấy bị lợi dụng tình cảm một cách sâu xa nên muốn đền bù, phản ứng về một sự khinh miệt nào đó, thất bại trong việc học hành, tình trạng lo âu, bị ám ảnh hay tính dục phát triển quá mạnh. Nếu chỉ dừng lại trên bình diện bệnh lý thay vì tìm những nguyên do tức là tạo nên thêm khó khăn cho việc vượt qua sự thủ dâm.

Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ


Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?