Bốn biểu tượng của bốn sách Phúc Âm

Hỏi: Tại sao biểu tượng Phúc Âm thánh Mát-thêu là “mặt người”; Phúc Âm thánh Mác-cô là “sư tử”; Phúc Âm thánh Lu-ca là “mặt bò”; Phúc Âm thánh Gio-an là “phượng hoàng”?



Trả lời:
Biểu tượng của bốn sách Phúc Âm đúng là như thế. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân và nguồn gốc của bốn biểu tượng này.

Nguồn gốc bốn biểu tượng

Bốn biểu tượng này chính là bốn “vật sống” xuất hiện trong thị kiến Ê-dê-ki-en:
Ed 1,4-14
“1,4 Tôi nhìn, thì kìa một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến ; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh ; ở chính giữa như có một kim loại lấp lánh, ở chính giữa lửa. 5 Ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng : chúng trông giống như người ta. 6 Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh. 7 Còn chân của chúng thì thẳng ; bàn chân tựa bàn chân con bê, lấp lánh như đồng sáng loáng. 8 Bên dưới cánh, có những bàn tay giống tay người quay về bốn phía ; mặt và cánh của bốn sinh vật cũng đều như thế. 9 Cánh của chúng giáp vào nhau. Lúc đi, chúng không quay mặt vào nhau, nhưng cứ thẳng phía trước mặt mà tiến. 10 Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng. 11 Đó là mặt của chúng. Còn cánh của chúng thì giương lên cao. Mỗi sinh vật có hai cánh giáp vào nhau và hai cánh khác phủ thân mình. 12 Chúng cứ thẳng phía trước mặt mà đi, thần khí đẩy phía nào, chúng đi phía đó ; lúc đi chúng không quay mặt vào nhau.

13 Ở giữa các sinh vật ấy, có cái gì giống như than hồng rực lửa, giống như ngọn đuốc, đang di chuyển giữa các sinh vật. Lửa phát ra ánh sáng và từ lửa phóng ra những tia chớp. 14 Các sinh vật đi đi lại lại nhanh như chớp.”

Tại sao bốn Phúc Âm lại có 4 biểu tượng tương xứng như thế?

Thánh Giê-rô-ni-mô, chuyên gia Kinh Thán, dựa vào những lời đầu tiên của mỗi Phúc Âm mà áp dụng cho mỗi tác giả, những hình ảnh được đề ra trong sách Ê-dê-ki-en, cụ thể là đoạn trích ở trên (Ed 1,1-14).

. Phúc Âm Mát-thêu bắt đầu bằng gia phả của Chúa Giê-su theo việc sinh ra hợp pháp trước mặt loài người. Vì thế, “mặt người” là biểu trưng tác giả Phúc Âm thứ nhất.



. Phúc Âm Mác-cô bắt đầu nói về việc ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng trong sa mạc. Sa mạc là vương quốc của sư tử, tiếng nó vang gầm lên như tiếng của người tiền hô trong những cứu cánh rất xác thực. Do đó, con vật có mặt sư tử tượng trưng cho Phúc Âm này.



. Phúc Âm Lu-ca bắt đầu bằng việc phục vụ của Da-ca-ri-a tại bàn thờ và kết thức bằng lời cầu nguyện của các tông đồ tại đền thờ. Bò là con vật xứng đáng dùng làm lễ vật tại Đền thờ. Do dó, con vật có “mặt bò” được dành cho Phúc Âm Lu-ca.


. Sau cùng Phúc Âm Gio-an, trong bài tựa, đã nhìn sâu thẳm vào cõi vô biên: “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời…”. Phượng hoàng bay vút trời cao và nhìn mặt trời không chói mắt nên nó xứng đáng nêu danh nhà thần học cao siêu của Phúc Âm thứ tư này.



Tuy nhiên, nếu xét vào nội dung của các Phúc Âm, chúng ta sẽ thấy:

. Trong Phúc Âm Mát-thêu, Đức Ki-tô tự khẳng định mình là “người” hơn trong các Phúc Âm khác: Người đi đến các nhà người thu thuế, nhà của tội nhân; Nguời mang trên mình “những yếu đuối và bệnh tật” của loài người (x.Mt 8,17); Người mang Tin Mừng cho những người ngoài xứ Giu-đa và cả những người dân ngoại (x.Mt 4,15-16).
Người là vị cứu tinh trầm lặng và nhẫn nhục Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt 12,18-21); Người “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,28-30).

. Trong Phúc Âm Mác-cô, Người lại được mô tả qua những phản ứng mạnh mẽ hơn, như khi đương đầu với đám thính giả cứng cỏi, Người “vừa thịnh nộ vừa buồn phiền” (Mc 3,5). Chính lối văn của Phúc Âm này cũng có vẻ gồ ghề, đôi khi cả đến lối chọn lựa những tư tưởng cũng như tiếng nói nữa: Lúc Đức Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an, tầng trời “xé ra” (Mc 1,10); Ngài sống “giữa thú rừng”;… Còn nhiều chỗ khác cho thấy vẻ cứng cỏi hợp với sự cứng cỏi của con sư tử nhà Giu-đa.

. Phúc Âm Lu-ca được cấu tạo với lối riêng biệt làm nổi bật núi sọ và cuối cuộc hành trình duy nhất tiến về Giê-ru-sa-lem, cuộc hành trình đó chiếm trọn vẹn đời sống công khai của Đức Giê-su, Ngài “phải” chịu đau khổ, đó như là nhịp mạnh của bước chân đang trèo lên đồi hy sinh. Như vậy, dọc suốt con đường trần gian của Đức Giê-su chỉ thấy bóng dáng thập giá, ngay cả thời thơ ấu cũng đã cho thấy bóng dáng thập giá thấp thoáng với lời tiên tri của ông Si-mê-on (x Lc 2,34-35). Biểu hiện con bò dành cho hy lễ bàn thờ từ đây có một ý nghĩa mới mẻ.

. Phúc Âm Gio-an, hơn mọi tác phẩm khác, thâm nhập đến tận cõi trời. Tác phẩm đó được trao phó cho cánh phượng hoàng, vua các loài chim, vì mắt nó có thể nhìn thấy mặt trời mà không một mắt người phàm nào chịu nổi ánh sáng. Chính mặt trời là hình ảnh vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang ấy tác giả đã chiêm ngắm qua và bên ngoài những vẻ mà Ngôi Lời nhập thể đã mang lấy theo thân phận loài người.
Vinh quang ấy, ngay cả khi thụ nạn, chịu nhục hình, với con mắt khác thì chỉ thấy đau khổ, máu me và chết chóc; nhưng con mắt phượng hoàng của Gio-an thấy được sự sống vượt hẳn sự hy sinh.

Hơn nữa, thánh Gio-an còn gợi lên hình ảnh của chim phượng hoàng đậu trên đỉnh núi bao quát toàn thể thế giới và mọi âu lo của thế giới đó, những náo động của loài người với những chân trời hạn hẹp của họ: mặt hướng về ánh sáng.

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?