Tạc tượng Chúa và các thánh, tội thờ ngẫu tượng?

Hỏi: Người Tin Lành và Do-thái giáo nói Kinh Thánh không cho phép tạc tượng Thiên Chúa và họ đã không tạc tượng, trong khi đó người Công Giáo lại trưng ảnh và tạc tượng Thiên Chúa. Tại sao lại như thế, phải chăng người Công Giáo mắc sai lầm?



Trả lời:
Kinh Thánh nói không được tạc tượng?

“Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.” (Xh 20,4).

Quả thật, Kinh Thánh có ghi như thế trong Thập Điều Giao Ước. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét lại bối cảnh tại sao lại có lời phán đó.

Điểm thứ nhất, thời Cựu ước, Thiên Chúa được coi như một Đấng “ẩn mình”, không ai thấy mặt Thiên Chúa, ai mà trông thấy thì đồng nghĩa với việc là chết. Con người chỉ thấy Ngài thông qua các dấu hiệu, chẳng hạn cột mây, cột lửa (xem Xh 13, 31-32; 14,19.24; 33, 9-10;…). Như thế, con người sẽ không biết được “khuôn mặt” của Thiên Chúa để mà tạc tượng. Do đó, con người sẽ mắc sai lầm nếu cố tình tạc tượng một “Ai Đó” mà không thấy “Người Đó” như thế nào.

Điểm thứ hai, bối cảnh các nền văn hóa lúc bấy giờ xung quanh dân Ít-ra-en, các dân tộc lân cận chẳng hạn Babylon, Ai-cập, Ca-na-an, Át-sua,… đều tạc tượng các vị thần theo quan niệm của họ phù hợp với nhu cầu của họ. Do đó, lệnh cấm mà Thiên Chúa phán với dân Ít-ra-en là để cho dân này tránh được việc thờ ngẫu tượng giống như các dân tộc khác.

Như thế, dân Ít-ra-en nhận được lệnh truyền “không được tạc tượng…” phần vì họ không thấy được khuôn mặt Chúa như thế nào, phần vì tránh thờ ngẫu tượng như các dân tộc xung quanh lúc bấy giờ.

Tại sao người Công Giáo lại tạc tượng Thiên Chúa?

Đạo Công Giáo phát xuất từ Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa làm người như thánh Gio-an Tông Đồ đã nói: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1,14). Do đó, Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, chưa ai thấy bao giờ, thì nay đã trở nên hữu hình và con người có thể nhìn thấy, trò truyện, gặp gỡ và ăn uống với Người. Điều này được thánh Gio-an quả quyết:

“Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18).

Như thế, điểm thứ nhất và thứ hai ở phần trên đã được thỏa mãn. Nghĩa là, chúng ta đã được thấy “khuôn mặt” của Thiên Chúa qua khuôn mặt của Đức Giê-su Ki-tô, vì Ngài chính là Thiên Chúa; và dẫn đến việc chúng ta không nhầm lẫn khi tạc tượng Thiên Chúa, không giống như các dân ngoại cùng thời với Ít-ra-en, họ diễn tả sai lầm, thậm chí chính Ít-ra-en cũng đã có lần sai lầm khi tạc tượng Con Bê Vàng (xem Xh 32,1-6) để diễn tả Thiên Chúa.

Tóm lại, kể từ khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người thì chúng ta hoàn toàn có thể tạc tượng Thiên Chúa để thờ lạy và không chỉ thế, chúng ta cũng được tôn kính ảnh tượng các thánh.

Tôn kính ảnh tượng như thế nào?

Lịch sử Hội Thánh đã từng xảy ra một cuộc tranh chấp về ảnh tượng, kéo dài gần 120 năm, dữ dội, gây nhiều đổ máu và nhiều ảnh tượng bị phá đập. Cụ thể như sau:
Năm 726, hoàng đế xuất thân từ nghề lính Lê-ê III đưa ra một chiếu chỉ cấm tất cả mọi ảnh tượng Thánh [chúng ta cần biết rằng cho đến thời kỳ này, Hội Thánh vẫn phải chịu ảnh hưởng của quyền lực xã hội cụ thể là qua hoàng đế của Đế quốc, ông có quyền can thiệp và nội bộ Hội Thánh, thậm chí là triệu tập Công Đồng].

Chiếu chỉ ra lệnh cấm treo, dựng các ảnh tượng Thánh cách công khai. Quân đội giữ nhiệm vụ đi tàn phá tất cả những ảnh tượng trong nước. Biết bao ảnh tượng quý giá, có ý nghĩa lịch sử đã bị đập tan tành. Dân chúng nổi lên chống đối bị đàn áp tàn tệ.
Thượng phụ giáo chủ Germanus tại Constantinopel phản đối thì bị Hoàng đế đã cách chức và hành hạ Ngài dã man. Đức Giáo Hoàng Gregor II lên tiếng thì bị hoàng đế hăm dọa sẽ cho lính đến đập vỡ tượng thánh Phê-rô ở Rô-ma và sẽ bắt Ngài làm tù binh.

Tuy nhiên, hoàng hậu I-rê-nê đang nắm quyền nhiếp chính thay cho con là Constantin, một người có lòng sùng kính các ảnh tượng Thánh, đã cho triệu tập Công Đồng tại Ni-xê-a (năm 787) và các nghị phụ đã đưa ra quyết định tôn kính ảnh tượng: được phép trình bày Chúa Ki-tô, Đức Ma-ri-a, Thiên Thần và Chư Thánh. Chỉ nhờ vào những hình ảnh đó, người ta có thể tưởng nhớ và bắt chước theo nguyên ảnh sâu xa được trinh bày. Những ảnh tượng được tôn kính, nhằm hướng vào nguyên ảnh chứ không nhằm cái đang trình bày.

Như vậy, “việc tôn kính một ảnh tượng là tôn kính chính Đấng được miêu tả” (GLCG 2132). Ví dụ, chúng ta tỏ lòng tôn kính trước ảnh tượng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, thì không chỉ dừng lại ở ảnh đó, nhưng là tôn kính chính Đức Ma-ri-a. Do đó, chúng ta cần tránh những lạm dụng khi tôn kính ảnh tượng, như việc vuốt, xoa các ảnh tượng, vì dễ dẫn đến những hiểu lầm cho người ngoại.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng: đối với ảnh tượng thánh, chúng ta chỉ tôn kính, chứ không thờ phượng. Bởi lẽ, việc thờ phượng chỉ được dành cho Thiên Chúa mà thôi.

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?