Đức Giê-su không có chức tư tế Lê-vi


Hỏi: Ông Gio-an Tẩy Giả xuất thân từ dòng dõi tư tế Lê-vi theo phẩm trật A-ha-ron, còn Đức Giê-su thì không. Như thế, Đức Giê-su làm sao được gọi là Thượng Tế?


Trả lời:

Quả thật, ông Gio-an Tẩy Giả xuất thân từ dòng dõi tư tế Lê-vi theo phẩm trật A-ha-ron, vì cha của ông là tư tế Da-ca-ri-a và chính ông Gio-an được ban cho ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét khi ông Da-ca-ri-a đang dâng lễ tế trong Đền Thờ. Còn Đức Giê-su có cha (nuôi) là thánh Giu-se thợ mộc chứ không phải tư tế. Vậy tại sao Đức Giê-su vẫn được gọi là Thượng Tế Tối Cao, là mẫu gương cho các thượng tế (Giám mục, Linh mục)?

Nguồn gốc thượng tế của Đức Giê-su

Nguồn gốc Thượng Tế được thánh Phao-lô nói rất rõ trong thư gửi tín hữu Híp-ri (Do-thái):

 “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” (Dt 2,17)

 “Do đó, thưa anh em là những người trong dân thánh, những người được hưởng chung ơn gọi bởi trời, anh em hãy ngắm nhìn Đức Giê-su là Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin.” (Dt 3,1)

 “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.” (Dt 4,14)

 “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” (Dt 4,15)

Đức Giê-su “đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” (Dt 5,10) như có lời chép “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.” (Tv 110,4)

Như thế, mặc dù không xuất thân từ dòng dõi tư tế Lê-vi theo phẩm trật A-ha-ron, nhưng Đức Giê-su vẫn là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Do đó, Ngài là Thượng Tế đúng nghĩa và chính tông.

Vị thế của chức tư tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê

Chúng ta biết rằng chức tư tế Lê-vi theo phẩm trật A-ha-ron, mà ông A-ha-ron là anh của ông Mô-sê, có được chức tư tế khi Chúa phán với ông Mô-sê:

 “Phần ngươi, hãy tách A-ha-ron, anh ngươi, và các con ông ra khỏi hàng ngũ con cái Ít-ra-en, để ông ở bên cạnh ngươi mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta : A-ha-ron và các con của A-ha-ron là Na-đáp, A-vi-hu, E-la-da và I-tha-ma.” (Xh 28,1)

Hơn nữa, ông Mô-sê cũng như ông A-ha-ron lại thuộc dòng dõi ông Áp-ra-ham. Do đó, chúng ta chỉ cần so sánh vị thế của tổ phụ Áp-ra-ham và thượng tế Men-ki-xê-đê.

Quả thật, vị thế của thượng tế Men-ki-xê-đê vượt trội hơn đã chúc phúc cho ông Áp-ra-ham, và chính tổ phụ Áp-ra-ham đã dâng lên vị thượng tế này một phần mười chiến lợi phẩm thu được từ chiến thắng (xem St 14,19-20). Điều này cũng đã được thánh Phao-lô khẳng định “Anh em hãy coi xem : ông Men-ki-xê-đê cao trọng biết bao ! Ông Áp-ra-ham là tổ phụ, mà cũng đã dâng cho ông một phần mười chiến lợi phẩm tốt nhất.” (Dt 7,4).

Hình ảnh thượng tế Men-ki-xê-đê tiên báo Đức Giê-su Thượng Tế

Kinh Thánh không nói nguồn gốc cũng như cuộc đời của vị thượng tế Men-ki-xê-đê như thế nào nhưng chỉ nói tên và là vị vua Sa-lem; mà Men-ki-xê-đê nghĩa là “vua công chính”, làm Sa-lem nghĩa là “vua bình an”.

Đó là những hình ảnh tiên báo một vị Thượng Tế Tối Cao là Đức Giê-su Ki-tô. Ngài từ Thiên Chúa mà đến, điều mà khiến nhiều người vấp ngã về nguồn gốc của Ngài như chính ông Si-mê-ôn đã tiên báo (xem Lc 2,34) và Ngài cũng là vị Vua Công Chính và Bình An (xem Lc 2,4).

Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?