Phá thai ưu sinh có được phép không?


Hỏi:

Hiện nay có nhiều tranh luận về việc gọi là “phá thai ưu sinh” (loại bỏ những thai nhi mang những chứng bệnh tâm lý cũng như thể lý mà khoa học có thể chẩn đoán). Lập trường của Giáo Hội như thế nào về vấn đề này?

Ảnh minh họa


Trả lời:

Thuật ngữ “phá thai ưu sinh” được những người khuyên phá thai dùng và quảng cáo khi “biết trước” một thai nhi bị một khuyết tật  hay một căn bệnh di truyền nào đó.
Phá thai ưu sinh, như việc phá thai được gọi với bất cứ thuộct tính nào khác một cách khách quan vẫn không thể biện minh được, bởi vì quyền sống là một quyền bất khả xâm phạm đối với bất cứ người nào. Hành động phá thai với lý do thai nhi có những khuyết tật hay mang một căn bệnh di truyền vẫn không làm giảm đi sự xấu, và còn xúc phạm đến sự sống và phẩm giá con người nữa.

Quyền của phôi thai

Chúng ta có thể và phải hiểu tâm trạng của một người mẹ đang chờ đợi một đứa con sắp sinh ra mà biết trước là con mình mang khuyết tật, nhất là khi người phụ nữ ấy cảm thấy đơn độc hoặc bị bỏ rơi, chắc chắn bà sẽ cảm thấy khó chấp nhận việc mở đường cho sự sống. Trong thực tế của xã hội hôm nay, chúng ta còn thấy có nhiều báo chí hoặc những nhóm chủ trương phá thai, thậm chí ngay cả pháp luật chẳng những không giúp ngăn chặn cho những trường hợp ấy mà còn tuyên truyền và ủng hộ cho việc phá thai ưu sinh nữa.

Dầu vậy, lý trí và đức tin luôn đứng về phe sự sống cho dù sự sống ấy có yếu đau và mang khuyết tật trên cơ thể. Phôi thai đã là một chủ thể với tiềm năng phát triển chứ không phải là một vật gì. Bởi lẽ, phôi thai có quyền sống và không một ai có thể gạt bỏ hay xúc phạm đến quyền ấy. Mọi mưu toan biện minh cho việc phá bỏ những thai nhi đau yếu và khuyết tật cho thấy sự khó chấp nhận của những người mạnh khỏe đối với kẻ yếu đau, đồng thời nói lên một quan niệm giả dối về phẩm chất gắn liền với giá trị đạo đức mà mỗi người cần phải có đối với sự sống. Quan niệm sinh học độc đoán nhằm biện minh cho quyết định của cha mẹ chọn lựa những đứa con “phù hợp” và ngăn chặn những đứa con mà mình không muốn. Như thế, con người muốn tự mình làm trọng tài quyết định cho ai được sinh ra và ai phải bị loại bỏ.

Việc xét nghiệm trước khi sinh

Việc phá thai ưu sinh thường gắn liền với việc xét nghiệm trong thời kỳ thai nghén. Sự chẩn đoán trước khi thai nhi được sinh ra là một nguồn hiểu biết quý giá về điều kiện của phôi thai để xem nó có bị một chứng bệnh nào không, và mức độ nguy hiểm như thế nào. Sự chẩn đoán này sẽ giúp cho y học can thiệp để chữa trị trước và có thể mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong thực tế người ta lại dùng việc chẩn đoán trước khi sinh để quyết định nên tiếp tục mang thai hay loại bỏ thai nhi. Nhiều người đã nại đến việc chẩn đoán này để phá thai.

Việc phá thai khi thai nhi có chứng bệnh hay khuyết tật này không chỉ hoàn toàn do quyết định của người mẹ mà còn do sự cộng tác của các bác sĩ khi khuyên loại bỏ thai nhi đó. Bởi thế, cần phải lên án và tố cáo mọi toan tính y khoa ủng hộ cho sự liên kết ấy hoặc khuyến khích những người mẹ đang mang thai đến chẩn đoán nhằm mục đích loại bỏ những thai nhi có thể khuyết tật hay mang bệnh di truyền.

Tuy nhiên, không phải tất cả các xét nghiệm của y khoa về thai nhi mang khuyết tật đều đúng và hơn nữa ngoài sự bất lực của y khoa không giúp gì được cho các thai nhi được chẩn đoán khuyết tật thì vẫn còn niềm trông cậy vào Thiên Chúa, một nguồn trợ lực vô giá. Chính bản thân tôi đã chứng kiến trường hợp thai nhi được chẩn đoán là khuyết tật, phải loại bỏ nhưng vì là người công giáo nên người mẹ đã hỏi cha xứ và được khuyên là giữ lại. Điều kỳ diệu là khi sinh ra, đứa bé trai không những không khuyết tật mà còn rất mạnh khỏe và mũm mĩm.

Tóm lại, dù được chẩn đoán là thai nhi có thể khuyết tật hay mang bệnh di truyền thay vì loại bỏ con mình thì chúng ta hãy chăm sóc, yêu thương đặc biệt hơn, bởi đứa con đó thiệt thòi hơn thì cần tình yêu của cha mẹ hơn.


Nhận xét

Bài đăng được đọc nhiều

SỐ 12. TỘI CỦA ADAM VÀ EVA LÀ THAM ĂN HAY DÂM DỤC?

SỐ 13. ADAM ĐÃ SỐNG 930 TUỔI?

SỐ 9. LÀM SAO ÔNG NÔ-Ê CÓ THỂ QUY TỤ ĐƯỢC HẾT CÁC LOÀI THÚ VẬT?

SỐ 8. LÀM SAO GIẢI THÍCH SỰ ĐA DỊ CHỦNG TỘC?

SỐ 10. CÓ THẬT ÔNG GIO-NA NẰM TRONG BỤNG CÁ 3 NGÀY?

SỐ 11. CÓ CẦN HIỂU SÁT NGHĨA TỪNG CHỮ BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ TỘI NGUYÊN TỔ MÀ ADAM VÀ EVA ĐÃ PHẠM KHÔNG?

SỐ 7. VẬY, VÀO THỜI ĐẦU, ANH EM ĐÃ LẤY NHAU?

SỐ 3. THIÊN CHÚA DỰNG NÊN ÁNH SÁNG

SỐ 2. KINH THÁNH NGĂN CẤM VIỆC TẠC TƯỢNG?

SỐ 6. CA-IN ĐÃ CƯỚI AI?